Các nhà thầu đang khẩn trương thi công để đảm bảo tiến độ dự án vào tháng 4/2016 |
Sau những chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhà đầu tư dự án BOT QL38 đoạn Hải Dương - Bắc Ninh rốt ráo tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu để đưa công trình về đích đúng cam kết.
Trả tiền trước, thủ tục sau
Trong chuyến kiểm tra hiện trường dự án QL38 đầu tháng 3/2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng tỏ rõ sự không hài lòng với cách phối hợp của các đơn vị, đặc biệt là tiến độ các gói thầu xây lắp của công trình được triển khai rất ì ạch.
Để xảy ra tình trạng này, Bộ trưởng khẳng định: “Trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà đầu tư. Trong đó, mấu chốt là năng lực nhà đầu tư không đáp ứng được yêu cầu tài chính, Ban QLDA không nắm rõ việc”. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng ra “tối hậu thư” cho nhà đầu tư đến hết tháng 3/2015, nếu dự án không có chuyển biến, Bộ GTVT sẽ thay thế nhà đầu tư dự án này.
Dự án nâng cấp mở rộng QL38 có tổng chiều dài toàn tuyến là 28,6 km, điểm đầu tại Km4+200, thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh, điểm cuối tại Km32+800 giao với QL5, thuộc địa phận tỉnh Hải Dương. Dự án được khởi công tháng 7/2014 và đầu tư theo hình thức BOT do liên danh Công ty CP Xây dựng số 2, Công ty CP Licogi 16 và Công ty CP Đầu tư khai thác Cảng là nhà đầu tư. |
Trao đổi với Báo Giao thông , ông Phạm Ngọc Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư khai thác cảng (nhà đầu tư) cho biết, xác định nguyên nhân chậm là do vướng mắc trong khâu GPMB, nhiều thời điểm nhà thầu đã huy động máy móc vào công trường nhưng không thi công được nên các Ban QLDA 2, 6 và nhà đầu tư tập trung tìm giải pháp tháo gỡ.
“Trước đây, một số ban đền bù GPMB của huyện còn chưa lên được phương án đền bù nên rất khó triển khai thi công. Nắm bắt được điều này, công ty BOT đã thành lập riêng một ban hỗ trợ công tác đền bù, GPMB, chuyển toàn bộ nhân lực xuống hiện trường do trực tiếp ông Lưu Quang Lãm, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư khai thác cảng làm Chủ tịch. Lãnh đạo Ban thường xuyên có mặt tại hiện trường, cùng bà con tháo gỡ vướng mắc. Thậm chí, có những vị trí còn áp dụng giải pháp chi trả tiền cho bà con trước, thủ tục làm sau để có mặt bằng sớm thi công”, ông Dũng nói.
Với những giải pháp quyết liệt này, đến nay mặt bằng đã có đủ để thi công. Cùng đó, theo ông Dũng, Ban QLDA 2, 6 và nhà đầu tư đã thực hiện nghiêm yêu cầu của Bộ trưởng, rà soát lại toàn bộ thiết bị, máy móc. Những thiết bị, máy móc nào không đảm bảo đều đã được đưa ra khỏi công trường. Nhà đầu tư cũng tăng cường cán bộ có năng lực để điều hành dự án đảm bảo hiệu quả nhất.
Ông Nguyễn Việt Cường, Tổng giám đốc Công ty BOT 38 cho biết, liên danh nhà đầu tư đã góp đủ 100% vốn chủ sở hữu với số tiền 250 tỷ đồng. Doanh nghiệp dự án đã khơi thông được nguồn vốn tín dụng cho công trình. Tất cả các nhà thầu đều được giải ngân kinh phí theo đúng hợp đồng.
“Chúng tôi đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng SHB. Hiện nay, phía ngân hàng đã bắt đầu giải ngân nguồn vốn cho dự án, với số tiền giải ngân lần đầu trên 120 tỷ đồng để chi trả khối lượng đã hoàn thành cho các nhà thầu và công tác đền bù GPMB. Các nhà thầu tiến hành thi công đến đâu, chúng tôi sẽ tiến hành nghiệm thu khối lượng và chuyển tiền đến đó”, ông Cường nói.
Thúc tiến độ thi công
PV Báo Giao thông trở lại công trường dự án vào trung tuần tháng 4/2015, sau hơn một tháng Bộ trưởng Đinh La Thăng ra “tối hậu thư”. Cảm nhận đầu tiên là không khí thi công trên công trường đã sôi động hơn nhiều, máy móc, thiết bị, công nhân được huy động tối đa. 5/7 gói thầu xây lắp của dự án gồm: 12, 13, 14, 16 và 17 được triển khai thi công đồng loạt. Hai gói thầu 11 và 15 chưa có mặt bằng thi công, các nhà thầu cũng đã lập ban điều hành công trường, huy động lán trại, máy móc thiết bị để sẵn sàng thi công ngay khi được bàn giao mặt bằng. Nhà đầu tư của dự án đã ký hợp đồng thi công chính thức với các đơn vị thi công ở tất cả các gói thầu xây lắp. Đến nay, gói thầu 12 và gói 13 thi công vượt tiến độ so với kế hoạch.
“Để kiểm soát chặt tiến độ, chúng tôi cùng tư vấn giám sát đã lập tiến độ tổng thể, tiến độ thi công chi tiết cho từng gói thầu. Hàng tuần, các nhà thầu đều phải báo cáo, kiểm điểm tiến độ của từng gói thầu. Căn cứ vào kết quả kiểm tra tại hiện trường và kế hoạch đã phê duyệt, những nhà thầu thi công yếu kém làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án, chúng tôi đều kiên quyết cắt giảm khối lượng, điều chuyển công việc cho nhà thầu khác”, ông Cường nói và cho biết, hiện tại, nhà đầu tư đã chuyển toàn bộ văn phòng điều hành dự án từ 39 Ngô Quyền (Hà Nội) về đóng tại hiện trường dự án tại xã Tân Chi (Tiên Du, Bắc Ninh) để việc quản lý, điều hành sát sao các công việc được thuận lợi.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền được Bộ GTVT giao nhiệm vụ phụ trách dự án là Ban QLDA 2 cũng đã có những chỉ đạo, điều hành cụ thể để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Giữa tháng 3/2015, Ban QLDA 2 đã điều động ông Đinh Công Minh, Phó Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trực tiếp phụ trách dự án để thay thế cho một Phó Tổng giám đốc khác của đơn vị. Đồng thời, Ban QLDA 2 cũng thay thế Giám đốc điều hành dự án, bổ sung thêm nhiều cán bộ có năng lực và thành lập văn phòng điều hành tại hiện trường để trực tiếp triển khai thực hiện dự án.
“Tại hiện trường chúng tôi luôn bố trí 4-5 cán bộ có đủ năng lực để phối hợp với nhà đầu tư, chính quyền địa phương, nhà thầu giải quyết ngay những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, biện pháp thi công. Với tiến độ như hiện nay, tôi khẳng định dự án sẽ cán đích vào tháng 4/2016 theo đúng yêu cầu của Bộ GTVT”, ông Nguyễn Hồng Du, Giám đốc điều hành (Ban QLDA2) khẳng định.
Truyền hình giao thông:
9X Việt xinh đẹp cover nhạc phim 'Fast & Furious' gây sốt
Cảnh sát lao thẳng xe tuần tra vào nghi phạm gây sốc
Tiết lộ "đối thủ" khắc chế tên lửa S-400 Nga bán cho Trung Quốc
Cầu thủ vô danh vô lê "thần sầu" từ khoảng cách 40m
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét