Khi mới nghe qua thông tin này, nhiều người (trong đó có cả giới luật sư) cho rằng đó chỉ là trò đùa không có thật. Ấy vậy mà nó được quy định hẳn hoi trong một nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Điều khoản trong nghị quyết này hướng dẫn "cứu nguy" cho tội phạm tham ô đáng lẽ bị tuyên tử hình nhưng có thể được giảm xuống tù chung thân hoặc tù có thời hạn đến nay vẫn còn hiệu lực.
Điều khoản hướng dẫn "cứu nguy" đó là Điểm 4 Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15.3.2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn Điều 278 Bộ luật Hình sự về tội tham ô tài sản. Nội dung điều khoản này cụ thể như sau:
Chiếm đoạt 3 tỉ trở lên: Tử hình
Theo Khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Theo tiểu mục 4.1 của Nghị quyết 01, khi áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự về tội tham ô tài sản cần chú ý:
Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với giá trị tài sản bị chiếm đoạt như sau:
- Xử phạt 20 năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng.
- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 1 tỉ đồng đến dưới 3 tỉ đồng.
- Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 3 tỉ đồng trở lên.
Nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn: Chỉ phạt tù chung thân
Tiểu mục 4.2 của nghị quyết hướng dẫn trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn mức án được hướng dẫn nêu trên như sau:
- Xử phạt tù từ 15 năm đến dưới 20 năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ).
- Xử phạt 20 năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 1 tỉ đồng đến dưới 3 tỉ đồng.
- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 3 tỉ đồng trở lên.
Nhiều tình tiết tăng nặng hơn: Chiếm đoạt 1 tỉ cũng bị tử hình
Theo tiểu mục 4.3 của nghị quyết, trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nặng hơn mức án nêu ở tiểu mục 4.1 như sau:
- Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng.
- Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên.
Tự nguyện bồi thường 5 tỉ sẽ thoát án tử?
Đặc biệt, tiểu mục 4.4. Nghị quyết 01 mở ra một hướng "cứu nguy" cho tội phạm tham ô thoát án tử. Theo đó, trường hợp tại các tiểu mục 4.1 và 4.3 thì người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt… của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tùy vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu:
- Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
- Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt… của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn… đến mức tối đa)".
Văn bản này do Chánh án Trịnh Hồng Dương khi xưa đã ký.
Liệu Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có dùng tiền để thoát án tử?
Chiếu theo Nghị quyết 01 năm 2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, nếu Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc hoặc thân nhân của hai bị cáo này mà bồi thường 5 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng (số tiền mà tòa tuyên buộc hai bị cáo phải bồi thường do tội tham ô) thì nhiều cơ hội hai bị cáo đầu vụ trong đại án Vinalines sẽ thoát án tử và giảm xuống còn tù chung thân (nếu bồi thường 5 tỉ), hoặc có khi giảm xuống tù có thời hạn (20 năm tù, nếu bồi thường hết 10 tỉ đồng).
Tuy nhiên, do hai bị cáo Dũng và Phúc đều không thừa nhận đã phạm tội tham ô, nên bản thân hai bị cáo này khó mà tự nguyện bồi thường số tiền nêu trên. Dù vậy, thân nhân của hai bị cáo (cha mẹ, vợ con, anh em...) vẫn có quyền tự nguyện bồi thường thay và khi đó hai bị cáo này vẫn được hưởng sự ân giảm nêu trên.
Vấn đề là Nghị quyết 01 hướng dẫn "khi áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự về tội tham ô tài sản, nghĩa là việc áp dụng này phải trong quá trình xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Hiện giờ Dương Chí Dũng đã kháng cáo, nếu bị cáo này chịu nộp tiền (dù không nhận tội tham ô) theo mức nêu trên hoặc thân nhân bị cáo tự đi nộp, thì sẽ được xem xét giảm án ở cấp phúc thẩm.
Riêng Mai Văn Phúc chưa có đơn kháng cáo. Nếu hết thời hạn kháng cáo mà bị cáo này vẫn không kháng cáo thì không rõ việc nộp tiền sau khi án có hiệu lực có được xem xét hay không, vì Nghị quyết 01 không đề cập đến.
Tiểu Ngọc
(Ảnh: Phiên tòa sơ thẩm xử Dương Chí Dũng và 9 đồng bọn. Tại phiên tòa này, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tuyên án tử hình cho tội tham ô tài sản. Ảnh: TTXVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét