Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Xử lý người mua dâm để hạn chế mại dâm?

Xử lý người mua dâm để hạn chế mại dâm?

Tại buổi sơ kết hai năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm mới đây, VKSND Tối cao cho biết cả nước hiện có hơn 30.000 người bán dâm nhưng chỉ có phân nửa số này có hồ sơ quản lý. Trong số các cơ sở lưu trú cho thuê phòng thì có tới 50% chứa chấp mua, bán dâm theo giờ. Không chỉ các khách sạn, nhà nghỉ mà cả quán karaoke, tẩm quất, massage… cũng có bán dâm trá hình. Ngoài ra, các đối tượng mua, bán dâm còn hoạt động thông qua Internet, điện thoại để rao bán, chào mời.


Theo các đại biểu, hoạt động mại dâm, môi giới mại dâm diễn ra khá kín đáo, tinh vi khiến cơ quan chức năng rất khó phát hiện. Đến khi phát hiện, các đối tượng này thường chỉ bị tạm giữ hành chính, xử phạt hành chính nên tính răn đe không cao. Sau khi xử phạt, họ cũng không về địa phương cư trú mà đến nhiều nơi khác “hành nghề” tiếp nên việc quản lý càng thêm khó khăn.


Theo quy định trước đây, người bán dâm khi bị bắt sẽ được đưa vào cơ sở giáo dục lao động xã hội hoặc cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Nhưng kể từ 1-7-2013 (ngày Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành), các đối tượng này chỉ bị xử phạt hành chính (300.000 đồng đối với vi phạm lần đầu và 5 triệu đồng nếu tái phạm) sau đó sẽ được thả về, giao cho chính quyền địa phương để người bán dâm hòa nhập cộng đồng. “Đó có thể là một quy định mang tính nhân văn. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, điều này gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng khi truy quét nạn mại dâm” - một lãnh đạo VKSND TP Hà Nội nói.


Một kiểm sát viên dự hội nghị nói đùa: “Theo quy định mới, cơ quan công an chỉ được tạm giữ hành chính gái mại dâm trong vòng 24 tiếng, nếu họ không có tiền nộp phạt thì vẫn phải thả ra. Vì vậy, nhiều gái mại dâm khi bị bắt về phường vẫn ung dung nói “em chưa thu được tiền nên không có tiền đóng phạt”. Đôi khi, nếu thả họ ra, không thu được tiền xử phạt vi phạm hành chính thì cán bộ công an không hoàn thành nhiệm vụ nên đành phải tự bỏ tiền túi ra nộp phạt cho gái mại dâm… để được hoàn thành nhiệm vụ”.


Đồng tình, đại diện VKSND TP Hải Phòng nói chính việc không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát gái bán dâm. Bởi thực tế rất ít đối tượng bán dâm chịu hòa nhập cộng đồng sau khi được thả ra mà luôn “ngựa quen đường cũ”.


Đại diện VKSND TP.HCM nhắc lại lời ông Lê Văn Quý (Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM) rằng trước đây công tác phòng, chống mại dâm dù có nhiều khó khăn nhưng vẫn còn quản lý và giáo dục được đối tượng bán dâm. “Tuy nhiên, từ khi có quy định mới thì những đối tượng này hoạt động công khai hơn vì họ biết nếu bị bắt quả tang thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính chứ không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh như trước. Bên cạnh đó, một số chế tài đối với những cơ sở kinh doanh có vi phạm về mại dâm vẫn chưa đủ tính răn đe” - vị này nói.


Theo VKSND Tối cao, để phòng, chống mại dâm có hiệu quả, Nhà nước cần mở trường đào tạo nghề, tạo việc làm cho người mại dâm sau khi giáo dục trở về với cộng đồng. Các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc cấp phép, kiểm tra các ngành nghề nhạy cảm. Ngoài ra, cần có văn bản quy định về việc xử lý người mua dâm, thông báo về gia đình, địa phương cư trú để kiểm điểm, giáo dục.


PHAN THƯƠNG






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ cho thuê taxi tải

Dịch vụ cho thuê taxi tải vận chuyển hàng hóa