Ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc giá cước truyền hình cáp tăng từ 75.000 đồng lên 120.000 đồng thì nhà đài không cần giải thích lấy một lời, cứ thế là thu là nghịch lý, khó lý giải.
Tại phiên họp lần 1 của ban soạn thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình, ngày 22/7, tại Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) đã đặt ra câu hỏi về nghịch lý, khó lý giải đối với lĩnh vực truyền hình trả tiền, rằng giá xăng tăng 500 đồng báo chí phản ánh rầm rộ, liên bộ phải họp báo giải trình, thế nhưng giá cước truyền hình cáp tăng từ 75.000 đồng lên 120.000 đồng thì nhà đài không cần giải thích lấy một lời, cứ thế là thu.
Đây được coi là một trong những bất cập trên thị trường truyền hình trả tiền hiện nay, khi giá cước dịch vụ truyền hình chưa có quy định, quy chế quản lý về giá cước, giá thành, khiến các nhà cung cấp dịch vụ cứ tự do tăng giá.
Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cần phải có các quy định về quản lý giá thành, giá cước, khuyến mại dịch vụ để đảm bảo thị trường truyền hình trả tiền phát triển, cạnh tranh lành mạnh.
Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, sau ba năm triển khai Quyết định số 20/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền, từ gần 60 đơn vị đầu mối cung cấp dịch vụ trên toàn quốc đã từng bước thu về chỉ còn 36 đầu mối.
Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ lại đa dạng hơn, ngoài hai dịch vụ chủ đạo là truyền hình cáp tương tự và truyền hình vệ tinh còn phát triển thêm các dịch vụ truyền hình cáp số, truyền hình cáp giao thức IPTV, truyền hình di động.
Số lượng thuê bao trả tiền tính đến 31/12/2013 đã đạt 6,3 triệu trên cả nước.
Tuy nhiên, theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình đang đứng trước xu thế số hóa rất nhanh, tạo ra áp lực quản lý nhà nước cả về nội dung, hạ tầng và dịch vụ trong bối cảnh hội tụ công nghệ diễn ra mạnh mẽ.
Trước đây, một kênh analog chỉ truyền được 1 kênh chương trình thì hiện trên một kênh sóng (độ rộng 8MHz) đã có thể truyền đến gần 30 kênh truyền hình số với độ phân giải hình ảnh tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp truyền hình truyền thống như SCTV, VCTV trên hạ tầng truyền dẫn sẵn có đang triển khai cả truyền hình Internet và thoại IP, còn với các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, FPT, Viettel thì cung cấp truyền hình giao thức IPTV và MobileTV.
“Chính vì sự phát triển quá nhanh của thị trường đã xuất hiện một đơn vị sở hữu chi phối nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và có hiện tượng độc quyền nội dung dịch vụ đối với một số kênh chương trình có ảnh hưởng xã hội lớn”, báo cáo đề cương Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình cho biết.
Lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết, một trong những nội dung quan trọng trong đề cương mà ban soạn thảo đang xây dựng là sẽ quy định rõ những nguyên tắc cơ bản áp dụng đối với doanh nghiệp khi triển khai chương trình khuyến mại đối với dịch vụ truyền hình trả tiền, cũng như quy định những nguyên tắc về việc áp dụng giá cước trên cơ sở giá thành, các quy định đối với giá cước của gói dịch vụ truyền hình trả tiền cơ bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét