BizLIVE - “Những thành tựu nổi bật của SeABank trong năm 2008 có thể kể đến việc giữ vững đà tăng trưởng ổn định, khẳng định uy tín và việc hợp tác chiến lược với một trong những ngân hàng bán lẻ nổi tiếng nhất châu Âu - Société Générale”, Chủ tịch SeABank Nguyễn Thị Nga đưa ra thông điệp tới cổ đông, nhà đầu tư của nhà băng này, trong báo cáo thường niên năm 2008.
Một góc báo cáo thường niên 2009 của SeABank lưu giữ bức ảnh bà Nguyễn Thị Nga và ông Bernard David, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng bán lẻ quốc tế toàn cầu Société Générale tại lễ công bố đối tác chiến lược Société Générale ngày 21/8/2008.
Ngay sau “cái bắt tay chiến lược” năm 2008, Société Générale cử hai đại diện quốc tịch Pháp là ông Bernard David và ông Francois Turcot vào Hội đồng Quản trị SeABank.
Société Générale cũng đưa 4 nhân sự của mình vào Ban điều hành SeAbank nắm vị trí điều hành, quản trị rủi ro, ngân hàng bán lẻ và cố vấn cao cấp cho Tổng Giám đốc.
Ngân hàng Pháp này đã hợp tác và hỗ trợ SeABank triển khai thành công 14 dự án quan trọng, trong đó có dự án xây dựng mô hình ngân hàng bán lẻ, sơ đồ tổ chức, quản lý rủi ro, cơ cấu nhân sự với định hướng phát triển SeABank trở thành ngân hàng bán lẻ tiêu biểu tại Việt Nam.
Những kết quả kinh doanh bước đầu năm 2009 và 2010 cho thấy sự hợp tác giữa hai bên mang lại bước tiến mạnh mẽ cho SeABank, với lợi nhuận trước thuế lên tới 828 tỷ đồng (năm 2010).
“Năm 2010 tiếp tục ghi nhận những thành công từ hoạt động hợp tác chiến lược và hỗ trợ kỹ thuật toàn diện giữa SeABank và Société Générale... Société Générale đã hỗ trợ SeABank hoàn thành một loạt dự án quan trọng như chuyển đổi mô hình tổ chức và quy trình làm việc theo định hướng bán lẻ tại các điểm giao dịch trên toàn quốc, các dự án thẻ quốc tế MasterCard và Visa Card”, thông điệp của Chủ tịch SeABank năm 2010 gửi tới cổ đông, nhà đầu tư có đoạn.
Năm 2011, SeABank tạo hiện tượng khi tổng tài sản tăng tới 83% lên mức đỉnh điểm hơn 101 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận lại rớt mạnh về 157 tỷ đồng. Năm đó, bà Lê Thu Thủy, một lãnh đạo trẻ nhiều năm trong Hội đồng Quản trị SeBank, lên giữ quyền Tổng giám đốc nhà băng này.
Tổng tài sản của SeABank qua các năm (nguồn: báo cáo thường niên SeABank, đơn vị: tỷ đồng)
Lợi nhuận trước thuế qua các năm của SeABank qua các năm (nguồn: báo cáo thường niên SeABank, đơn vị: tỷ đồng)
Đến năm 2012, tổng tài sản của SeABank sụt giảm mạnh xuống còn trên 75 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận cả năm đạt 69 tỷ đồng, thấp hơn con số gần 137 tỷ đồng năm 2006 của nhà băng này.
Thông điệp trên báo cáo thường niên năm 2012 của Tổng giám đốc SeABank không còn nhắc đến con số về chỉ tiêu kinh doanh, ngoài thông tin “tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động duy trì ở mức 53,09%...”.
Năm 2012 cũng là năm mà SeABank dính rắc rối khi Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex-Viettel yêu cầu SeABank phải thanh toán tiền gốc và lãi của số tiền 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (do SeABank bảo lãnh phát hành) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar.
Vụ việc đã lắng xuống sau khi cơ quan chức năng vào cuộc. Có ý kiến cho rằng bộ phận quản lý rủi ro, trong đó có nhân sự của Société Générale, đã không kiểm soát tốt dẫn đến được sự việc trên. Tuy nhiên, với giải thích của SeABank “giao dịch bảo lãnh cho tập đoàn Vina Megastar không được theo dõi quản lý hồ sơ trong hệ thống của SeABank, không có phí bảo lãnh (các bảo lãnh trái phép khác cũng tương tự đều không có hồ sơ sổ sách theo dõi, đóng phí...)”, thì cũng khó cho hệ thống quản lý rủi ro.
Một điểm đáng chú ý, khi năm 2009 và 2010, 2011 hoạt động kinh doanh tốt, thông điệp trên báo cáo thường niên của Chủ tịch SeABank liên tục nhắc tới vai trò, đóng góp của “Société Générale - đối tác chiến lược nước ngoài sở hữu 20% cổ phần của SeABank”, nhưng năm 2012, trong bối cảnh kinh tế chung có nhiều khó khăn, cái tên “Société Générale” đã không còn được nhắc đến trong thông điệp tại báo cáo thường niên công bố trên website nhà băng này.
Diễn biến đáng chú ý mới nhất là trong bản tin cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 5.335 tỷ đồng lên gần 5.466 tỷ đồng, được SeABank công bố hôm 3/12, ngân hàng này khẳng định, cơ cấu cổ đông vẫn giữ nguyên.
“Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông của ngân hàng cũng không thay đổi, bao gồm tập đoàn tài chính Société Générale (Pháp) - cổ đông chiến lược nước ngoài sở hữu 20% vốn điều lệ cùng các cổ đông chiến lược trong nước như Công ty Thông tin di động (VMS MobiFone), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) và hàng trăm cổ đông là tổ chức và cá nhân khác”, trích bản tin trên website của SeABank.
Cùng với việc 2013 là thời điểm ràng buộc 5 năm nắm giữ cổ phần SeABank của Société Générale không còn, thị trường tài chính có lý do dõi theo diễn biến “mối tình” SeABank - Société Générale, nhất là sau sự kiện ngân hàng lâu đời nhất Singapore - OCBC - cũng vừa thông báo rút toàn bộ vốn khỏi VPBank sau khi bắt đầu rót vốn đầu tư từ năm 2008.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét