(PL)- Nhóm tiếp xúc về Ukraine tổ chức cuộc đàm phán mới về ngừng bắn.
Do chiến sự bùng nổ trở lại bất chấp thỏa thuận ngừng bắn ký kết ở Minsk (Belarus) hồi tháng 9-2014, các bộ trưởng Ngoại giao EU đã họp khẩn vào đêm 29-1 (giờ địa phương) tại Brussels (Bỉ).
Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini thông báo các bộ trưởng đã nhất trí:
- Các biện pháp cấm vận đã áp dụng từ tháng 3-2014 đối với các cá nhân của Nga và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine sẽ được kéo dài thêm sáu tháng (đến tháng 9).
- Bổ sung thêm một số cá nhân của Nga và lực lượng ly khai vào danh sách cấm vận (phong tỏa tài khoản, cấm đi lại trong EU). Danh sách sẽ được đề nghị trong vòng một tuần. Các bộ trưởng sẽ họp thông qua danh sách vào ngày 9-2.
Đến nay danh sách cấm vận cá nhân của EU đã lên đến 132 người.
Báo Le Temps (Bỉ) ghi nhận trong cuộc họp các bộ trưởng Ngoại giao EU, Estonia với tư cách chủ tịch luân phiên của EU (đến cuối tháng 6) chủ trương cứng rắn với Nga.
Lực lượng ly khai đang đóng chốt tại TP Debaltseve, một trong những điểm nóng chiến sự ở miền Đông Ukraine. Ảnh: REUTERS
Người tích cực ủng hộ quan điểm này là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (người Ba Lan). Anh đã chọn thái độ đứng về phía các nước muốn trừng phạt Nga (Ba Lan và các nước vùng Baltic).
Dù vậy, Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini lại chủ trương nhích lại gần Nga để thực hiện nghiêm chỉnh thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Bà cũng ủng hộ giải pháp đối thoại tới nơi tới chốn với Nga về nhiều vấn đề quốc tế khác như Syria và Iran.
Chiến lược của bà Federica Mogherini không đơn độc. Hy Lạp đã kiên quyết phản đối tiếp tục trừng phạt Nga.
Đức không ủng hộ tiếp tục ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga mà muốn thuyết phục Tổng thống Nga Putin dần dần.
Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố: “Chúng tôi không muốn tự mình thúc đẩy leo thang”. Ông bảo đảm khi nào lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine chiếm thêm các vùng đất mới, Đức sẽ ủng hộ cấm vận Nga ngay.
Quan điểm của Pháp cũng như Đức. Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu Harlem Désir tuyên bố: “Phải trở lại giải pháp đối thoại chính trị”. Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt cũ đã quá nặng rồi.
Hôm 29-1, trong cuộc gặp ba bên với những người đồng cấp Bohuslav Sobotka (Cộng hòa Czech) và Robert Fico (Slovakia) ở Slavkov (Cộng hòa Czech), Thủ tướng Áo Werner Faymann nhận định các biện pháp cấm vận Nga không thể thay thế kế hoạch hòa bình.
Ông đề nghị phải giải quyết tình hình Ukraine bằng con đường đàm phán thay vì tăng cường trừng phạt Nga. Ông cũng đề nghị châu Âu nối lại hợp tác kinh tế và chính trị với Nga.
Thủ tướng Bohuslav Sobotka đề nghị tiếp tục đàm phán trực tiếp giữa Ukraine, lực lượng ly khai miền Đông và Nga. Ông cho rằng Ukraine cần phải sử dụng tiền vay của EU để tiến hành cải cách nhằm ổn định tình hình kinh tế-xã hội Ukraine.
Hãng tin AFP nhận định kết quả cuộc họp các bộ trưởng Ngoại giao EU đã cho thấy EU đang áp dụng chiêu chờ thời hơn là thẳng thừng trừng phạt Nga.
Belarus thông báo nhóm tiếp xúc về Ukraine (gồm Nga, Ukraine, lực lượng ly khai miền Đông và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) bắt đầu cuộc đàm phán mới tại Minsk trong ngày 30-1. Trước đó, hôm 29-1, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đề nghị lực lượng ly khai đàm phán ngay về lệnh ngừng bắn mới. Ông cũng đề nghị nhóm tiếp xúc về Ukraine khẩn cấp tổ chức tham vấn về ngừng bắn. Hãng tin RIA Novosti (Nga) đưa tin lực lượng ly khai miền Đông đã đồng ý tham dự. ______________________________________ Chúng tôi đã cho bỏ hết mọi ghi chú về biện pháp cấm vận mới (đối với Nga). Châu Âu phải cổ súy thỏa thuận hòa bình Minsk bằng đối thoại với Nga chứ không phải cấm vận. Tân Ngoại trưởng Hy Lạp NIKOS KOTZIAS Các biện pháp cấm vận Nga cũng không làm cho máu ngừng chảy ở miền Đông Ukraine. Thủ tướng Áo WERNER FAYMANN |
DẠ THẢO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét