Trong bài phân tích đăng tải trên tờ The Spectator (Anh), ông Owen Matthews nhận định rằng, việc Nga sáp nhập Crimea sẽ mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho Ukraine, song lại đẩy Nga và Tổng thống Vladimir Putin rơi vào tình thế vô cùng khó khăn.
Ông Matthews đã có nhiều năm là trưởng văn phòng của tờ Newsweek ở Moscow và là tác giả cuốn sách "Stalin’s Children and Glorious Misadventures".
Ngày 21-3, Tổng thống Putin ký luật phê chuẩn hiệp định sáp nhập Crimea với sự có mặt của bà Chủ tịch Hội đồng liên bang Valentina Matviyenko và Chủ tịch Duma quốc gia Sergei Naryshkin.
Dưới đây là bài phân tích của ông Owen Matthews:
Thủ tướng Anh David Cameron đã nói rằng việc Crimea sáp nhập vào Nga "sẽ không được công nhận". Còn Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsnyuk thì thề rằng "chúng tôi sẽ lấy lại lãnh thổ của mình". Nhưng họ đều đã sai rồi. Hãy cứ để Crimea về với Nga: Việc này sẽ khiến Ukraine trỗi dậy và là dấu chấm hết cho Vladimir Putin. Không có Crimea tức là sẽ không bao giờ còn có một chính phủ ủng hộ Nga ở Kiev nữa. Ukraine sẽ có cơ hội trở thành một quốc gia tự quyết - một quốc gia ủng hộ châu Âu với số dân Nga chỉ chiếm thiểu số, khoảng 15%. Putin có Crimea nhưng lại mất Ukraine mãi mãi. Như câu nói nổi tiếng của cựu cố vấn an ninh Mỹ Zbigniew Brzezinski, nếu không có Ukraine, "Nga sẽ không còn là một đế chế nữa".
Crimea là một cánh tay đã bị hoại tử trên cơ thể chính trị của Ukraine. Nó sẽ không bao giờ chịu sự quản lý của Kiev nữa. Điều mà Ukraine cần bây giờ, sau 2 thập kỉ trộm cắp và yếu kém trong quản lý, là một chính phủ liều lĩnh, dám tiến hành các cải cách sẽ không được nhiều người ủng hộ, bao gồm cả việc loại bỏ Crimea.
Tin tốt là, nhờ hành động xâm lược của Putin mà sẽ không còn thiếu các nhà hảo tâm giàu có phương Tây, những người sẵn lòng chăm sóc cho người tàn tật khoẻ mạnh trở lại nữa. Liên minh châu Âu đã từng đề xuất với Tổng thống Viktor Yanukovych một Thoả thuận Liên kết, có thể đe doạ phá huỷ nền kinh tế đang trên bờ vực phá sản nhưng để cứu nó. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Yanukovych lại chuyển hướng sang Moscow vì một đề nghị hấp dẫn hơn. Song sức mạnh của nhân dân đã lật đổ Yanukovych, còn các nhà lãnh đạo mới ở Ukraine thì quá coi trọng chuyện thắt lưng buộc bụng tới mức họ chỉ dám mua vé hạng phổ thông để tới dự các cuộc họp ở Washington, và bất kể là chính phủ nào sẽ lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tháng Năm tới, thì cũng sẽ hầu như chẳng có nhân vật nào trong chính phủ đó ủng hộ Nga. Không còn Crimea tức là sẽ không còn bất cứ sự giằng co nào giữa phía đông và phía tây Ukraine nữa: cán cân quyền lực lệch về phía tây và không thể thay đổi được nữa.
Cũng nhờ quyết định chiếm đóng Crimea một cách bất ngờ của Putin, không chỉ EU, mà cả các thành viên hùng mạnh nhất của khối này - đáng chú ý có Đức, Anh, Pháp và Ba Lan - đã nhận ra rằng việc ủng hộ Ukraine sẽ không còn là sự bố thí nữa, nó đã trở thành nguyên tắc cần tuân thủ. Các quốc gia gồng mình đấu tranh vì giá trị của châu Âu - và phải chịu tổn hại vì nó - nên được đền đáp và bảo vệ. Angela Merkel, nhà lãnh đạo châu Âu, người biết rõ Putin nhất và cũng thường đóng vai trò hoà giải với Nga, đã phát biểu trước Budestag (Quốc hội Đức) tuần trước rằng ông ta "đang ở một hành tinh khác". Brussels đã nhanh chóng đưa ra Hiệp định Liên kết sửa đổi, còn Mỹ ủng hộ gói cứu trợ hào phóng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Xét về tự nhiên, rất dễ để cắt bỏ Crimea: Vùng đất này chỉ được nối với Ukraine bởi một dải đất nhỏ hẹp ở phía bắc và nối với Nga bởi một chuyến phà chậm (mặc dù theo Moscow, nó sẽ được thay thế nhanh chóng bằng một chiếc cầu trị giá 3 tỉ USD). Urkraine cung cấp 80% tổng lượng điện và nước cho bán đảo này. Năm vừa qua, khoảng 300 triệu USD trong số 540 triệu USD ngân sách của Crimea tới từ Kiev. Hai ngành công nghiệp chính ở đây là du lịch - đa phần từ Ukraine - và các căn cứ quân sự của Nga và Ukraine ở Sevastopol.
Truyền thông Nga đã miêu tả Crimea như cách mà người ta nói về một đống đổ nát mới được thu nhận nhưng tới một ngày nào đó, có thể trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng dành cho gia đình: Kênh truyền hình Channel 1 (Nga) dự đoán nơi đây sẽ là một điểm du lịch hút khách thay thế Ai cập, và trữ lượng dầu mỏ, khí đốt ngoài khơi của nó sẽ giúp Nga củng cố vị thế nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới của mình. Sergey Aksyonov, nhà lãnh đạo thân Nga ở Crimea, đã nhận được khoản hỗ trợ về tài chính trị giá 15 tỉ rúp (410 triệu USD) từ chính phủ Moscow sau khi ông này thông qua đạo luật sáp nhập hồi tuần trước. Trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, Aksyonov chỉ đứng đầu một đảng chưa chiếm tới 12% số ghế trong chính phủ địa phương và có biệt danh là Goblin vì dính líu tới băng đảng mafia Salem. Các tài khoản ngân hàng ở lãnh thổ này vẫn bị đóng băng, người dân địa phương thì đổ xô mua cho bằng hết số USD trong khả năng của mình, còn du lịch thì chững lại.
Không nghi ngờ gì, Putin sẽ đổ tiền vào thứ mà ông ta thu được, như đã làm ở Chechnya, nam Ossetia và Abkhazia. Song việc đưa Crimea trở thành một khu vực thuộc Liên Bang Nga, có khả năng tự đứng vững sẽ tốn kém và mang lại thiệt hại nghiêm trọng. "Hôm nay, Crimea của chúng ta có vẻ chẳng khá khẩm gì hơn Palestine" - Không phải những người Maidan ủng hộ EU ở Kiev, mà chính là Bộ trưởng phát triển vùng của Nga, Igor Slyunayev, đã nói như vậy với nhật báo kinh tế Nga Kommersant ngay trước động thái liên quan tới việc sáp nhập Crimea của Putin.
Không chỉ vậy, bằng việc lấy Crimea, Putin đã tự biến mình trở thành con tin của Kiev. Putin có ảnh hưởng lớn về kinh tế là bởi ông ta đang kiểm soát đường ống dẫn khí đốt của Ukraine: nhưng giờ đây Kiev đang nắm quyền chủ động về điện, nước, đường bộ và đường sắt ở Crimea. Và không giống như những cuộc chiến khí đốt mà điện Kremlin đã khơi mào nhằm chống lại Ukraine năm 2005 và 2009, khi các khách hàng châu Âu của Moscow bị mất nguồn cung, giờ đây người dân Crimea sẽ là đối tượng duy nhất phải gánh hậu quả nếu Ukraine phong tỏa khu vực này.
Donetsk, hay còn được gọi là tỉnh Stalino (vào trước năm 1961), vẫn là một vấn đề cản trở chính quyền cách mạng ở Kiev. Những người biểu tình được Nga hậu thuẫn và những kẻ mang giọng điệu khiêu khích rất to mồm và bạo lực. Nhưng chúng chỉ là thiểu số. Theo một cuộc điều tra dân số mới đây nhất vào năm 2001, số người Ukraine chiếm tới 57%, trong khi đó, người Nga chỉ chiếm 38%.
Nhưng vấn đề lớn nhất của Putin không nằm ở sự tốn kém ngân quỹ mà việc sáp nhập Crimea gây ra - nếu có tốn kém thì sẽ là với giới tinh hoa Nga. Ở bề nổi, lệnh trừng phạt của Mỹ và EU chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng cái giá giới doanh nghiệp Nga phải trả sẽ rất đắt và không dễ gì nhận ra - phí vay cao hơn, thị trường chứng khoán tụt dốc, đồng rúp suy yếu, xếp hạng tín dụng xấu... Khi mà giá năng lượng cũng giảm, còn châu Âu nhất quyết đẩy mạnh việc tìm kiếm một sự thay thế cho Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, thì Putin lại đang kìm hãm con gà đẻ trứng vàng để theo đuổi ảo mộng đế quốc mờ mịt. Giới lắm tiền nhiều của ở Nga rồi sẽ không tha thứ cho ông ta.
Lần đầu tiên trong nhiều năm, Nga hoàn toàn bị cô lập tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bị chính đồng minh cũ của mình là Trung Quốc bỏ rơi. Và các quốc gia Xô Viết cũ, với số dân Nga đông đúc - Kazakhstan, Uzbekistan, Belarus, Latvia - đều bất chợt lo lắng hơn. Các nền tảng của Liên minh thuế quan hậu Xô Viết đã bị lung lay.
Putin nói rằng Crimea luôn là một phần của Nga. Ông ta nói đúng - cũng giống như Warsaw và Vilnius, nó đã được sáp nhập vào Đế quốc Nga dưới thời Catherine Đại đế. Nhưng giờ đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan đã tuyên bố rằng nước này sẽ tái khởi động kế hoạch thiết lập một lữ đoàn quân sự chung giữa Ba Lan, Ukraine và Lithuania - bước đầu tiên để tiến tới việc trở thành thành viên của NATO. Còn tại Crimea, Putin đã giành được chiến thắng chung cuộc, nhưng đầy cay đắng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét