Quân đội Ukraina được lệnh rút khỏi Crimea.
Ngày 24.3, Tổng thống tạm quyền Ukraina Olexandr Turchynov ra lệnh rút toàn bộ lực lượng vũ trang khỏi Crimea. Phát biểu tại cuộc họp với các nghị sĩ cấp cao, Tổng thống Turchynov cho biết, căn cứ theo những chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraina ra quyết định về việc rút quân nói trên tại các đơn vị quân đội đồn trú ở nước cộng hòa tự trị Crimea. Gia đình các quân nhân cũng sẽ được dời đi.
Quyết định trên được đưa ra ngay sau khi lực lượng tự vệ Crimea chiếm căn cứ hải quân Feodosia của Ukraina ở Crimea. Đây là vụ đột kích căn cứ quân sự thứ ba xảy ra trong vòng 48 giờ, kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh phê chuẩn sáp nhập Crimea vào Nga hôm 21.3. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraina - ông Vladislav Seleznyov - cho biết, lực lượng vũ trang Crimea tấn công căn cứ từ 2 hướng, sử dụng xe bọc thép và lựu đạn.
Feodosia là một trong những căn cứ cuối cùng nằm dưới quyền kiểm soát của Ukraina. Vụ tấn công trên là một phần trong chiến dịch giành quyền kiểm soát các cơ sở quân sự Ukraina đóng tại Crimea. Trước đó, hôm 22.3, lực lượng tự vệ Crimea cũng bao vây căn cứ không quân của Ukraina tại Belbek, sau đó tiến vào một căn cứ không quân của hải quân Ukraina ở Novofedorivka.
Hôm qua, các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraina bên lề Hội nghị An ninh hạt nhân ở The Hague (Hà Lan). Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi khối G7 thảo luận các biện pháp trừng phạt Nga. Hãng tin Bloomberg cho hay, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU có thể đẩy Nga vào một cuộc suy thoái. Các ngân hàng cho rằng, nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới có thể sụt giảm trong ít nhất 2 quý. Các biện pháp trừng phạt hiện nay tập trung vào cá nhân như cấm thị thực và phong tỏa tài sản, có thể được mở rộng nhằm vào các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế. Chỉ số chứng khoán Micex của Nga đã giảm 11,6% trong năm nay.
Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 24.3 đã chủ trì phiên họp đặc biệt, nhằm thảo luận các biện pháp hỗ trợ kinh tế xã hội cho Crimea và thành phố Sevastopol. Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh, Nga sẽ làm tất cả những gì có thể để phát triển kinh tế xã hội cho đất nước, cũng như cho những chủ thể mới. Bộ Lao động và Bảo vệ xã hội của Nga được yêu cầu tăng lương hưu cho người dân Crimea trong thời gian sớm nhất, bằng với mức áp dụng ở Nga. Một khi mức này được áp dụng, lương hưu của người dân Crimea sẽ tăng gần gấp đôi.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cũng cho biết, Nga có thể phân phối một phần đơn đặt hàng quốc phòng cho các nhà máy tại Crimea. Cũng trong ngày 24.3, Crimea chính thức đưa đồng rúp Nga vào lưu thông. Tuy nhiên, đồng rúp và đồng hryvnas của Crimea sẽ song song lưu hành dự kiến tới ngày 1.1.2016.
Tin bài liên quan
-
Ukraina mất quyền kiểm soát ở biểu tượng kháng cự cuối cùng tại cảng Feodosia
-
Căng thẳng Ukraina: Cúp điện 4 tiếng đồng hồ ở thủ phủ Simferopol
-
Căng thẳng Ukraina: Cuộc điện đàm chủ nhật của Putin và Merkel
-
Căng thẳng tại Ukraina: Tổng thống Obama họp đồng minh tìm phản ứng mạnh với Nga
-
Máy bay Malaysia đâm xuống nam Ấn Độ Dương, toàn bộ hành khách thiệt mạng
-
MH370 mất tích ở nam Ấn Độ Dương: Nước mắt, nỗi đau và mọi hi vọng dập tắt
-
Nguyên văn bài phát biểu của Thủ tướng Malaysia về sự mất tích của MH370
-
MH370 được công ty vệ tinh Anh tìm ra như thế nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét