Trung tá Nguyễn Hữu Điển (Công an quận Hoàn Kiếm) giới thiệu máy dò mã cửa cuốn thu được từ nghi phạm Nguyễn Thành Dương - Ảnh: M.Quang |
Vụ trộm xảy ra đêm 27, rạng sáng 28-7-2014 tại cửa hàng máy ảnh Digiworld Hà Nội ở phố Hàng Bài. Tài sản bị mất gồm một lô máy ảnh và ống kính máy ảnh có giá trị hơn 643 triệu đồng.
Mở cửa như chủ nhà để ăn trộm
Quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an xác định cửa ra vào là loại cửa cuốn không có dấu hiệu cạy phá, đồ đạc bên trong có dấu hiệu bị lục soát. Cơ quan công an tình nghi vụ trộm do nội bộ nhân viên cửa hàng gây ra nhưng quá trình xác minh cho thấy hướng điều tra này là không phù hợp.
Ngày 11-8, cơ quan công an phát hiện một trường hợp nghi vấn rao bán máy ảnh và ống kính tại khu vực đường Xã Đàn. Tại cơ quan công an, người này khai nhận là Nguyễn Thành Dương (25 tuổi, quê quán tại phường Chiềng Lề, TP Sơn La, tỉnh Sơn La), đồng thời thừa nhận gây ra vụ trộm cắp tài sản tại phố Hàng Bài.
Ngay sau đó, cơ quan công an khám xét khẩn cấp nhà của Nguyễn Thành Dương ở Sơn La, thu giữ được một số tang vật và các thiết bị được sử dụng để phá mã cửa cuốn.
Theo lời khai của Nguyễn Thành Dương, giữa tháng 7-2014, Dương đi “tăm tia” các cửa hàng. Khi qua phố Hàng Bài, Dương lựa chọn cửa hàng Digiworld Hà Nội để tìm cách trộm cắp. Thấy cửa hàng có hai cửa cuốn và một cửa kính, nên Dương tìm hiểu cách mở và phá cửa trên Internet.
Ngày 22-7, Dương liên hệ một số điện thoại được rao trên mạng Internet, hỏi mua điều khiển cửa cuốn của một người Trung Quốc. Dương cho người này địa chỉ cửa hàng Digiworld Hà Nội để đánh khóa điện mở cửa cuốn. Đến ngày 27-7, hai bên hẹn nhau địa điểm giao thiết bị dò mã, chìa khóa và thanh toán tiền.
Khoảng 2g30 ngày 28-7, Dương đến cửa hàng Digiworld Hà Nội, dùng khóa điện mở cửa cuốn và vào bên trong. Để tránh bị phát hiện, Dương đánh cắp luôn đầu thu hình ảnh camera của cửa hàng. Khi mang tài sản ra về, Dương đóng cửa lại như bình thường, tạo hiện trường là một vụ trộm có tính chất nội bộ.
Chỉ mất 3 giây để lấy mã khóa
Ngày 28-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm tiến hành thực nghiệm hiện trường vụ trộm.
Trung tá Nguyễn Hữu Điển, đội phó đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Hoàn Kiếm, cho biết Dương đứng cách cửa hàng khoảng 5m, chờ chủ nhà điều khiển cửa cuốn bằng thiết bị điều khiển từ xa (khóa từ) thì bật thiết bị dò mã. Chỉ trong ba giây, thiết bị của Dương dò được tần số, lấy được mã cửa cuốn.
Theo đánh giá của trung tá Nguyễn Hữu Điển, trong vụ trộm này, đối tượng trộm cắp sử dụng thiết bị công nghệ cao, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Điều nguy hiểm nhất là những thiết bị này nếu được bán phổ biến có thể sẽ gây ra những vụ trộm không ai ngờ tới.
Trung tá Điển cảnh báo các gia đình, cửa hàng, công ty sử dụng cửa cuốn cần gia cố thêm khóa thủ công cả bên trong và bên ngoài. Trung tá Điển cũng không loại trừ việc có những thiết bị dò mã ôtô hoặc xe máy, vì cơ chế hoạt động tương đối giống nhau.
Cũng trong vụ trộm này, cơ quan công an còn thu giữ một chiếc khoan lắc được sử dụng cho việc mở bi ổ khóa. Đây cũng là thiết bị được Nguyễn Thành Dương mua cùng chiếc máy dò mã khóa, theo quảng cáo thì có thể sử dụng để mở được ổ khóa bằng cách dò các lỗ bi ổ khóa.
Theo tìm hiểu, trên mạng Internet có khá nhiều trang web, các mục quảng cáo rao vặt về việc bán thiết bị copy chìa khóa có chip và remote ôtô, xe máy. Các thiết bị được rao bán có cơ chế hoạt động gần giống thiết bị cơ quan công an thu giữ.
Theo đó, khi bật thiết bị này lên chỉ cần trong vài giây có thể lưu mã chiếc chìa khóa gốc, sau đó chỉ việc sao chép sang chìa khóa phụ. Hiện có nhiều người quảng cáo sử dụng thiết bị dò mã để làm chìa khóa phụ cho cửa cuốn, ôtô, xe máy với giá 120.000-350.000 đồng/chìa.
MINH QUANG
Ông Vũ Thanh Thắng (phó chủ tịch phụ trách phần cứng của Bkav): Có hai cơ chế để giải mã khóa Kẻ gian có thể mở cửa thông qua hai cơ chế sau: Cơ chế thứ nhất, kẻ gian sử dụng một thiết bị thu đặt gần cửa, chờ chủ nhà đóng mở cửa để thu lại mã lệnh, từ đó sẽ biết mã đặc trưng của bộ khóa. Tiếp đến là sử dụng mã này để ghi vào một phôi chìa khóa khác, sử dụng chìa khóa này để mở cửa. Cơ chế thứ hai, kẻ gian có thể sử dụng một mạch điện tử được thiết kế đặc biệt, theo đó mạch này sẽ quét qua tất cả mã có thể để thử mở cửa. Với tốc độ tính toán đủ nhanh thì thời gian để quét chỉ khoảng vài giây. |
Cửa cuốn rất không an toàn “Tầng hầm để xe của công ty bạn có thêm khóa gì nữa không hay chỉ có cửa cuốn tự động?”. Cả chín người bạn của tôi đang làm cho các công ty tư nhân ở TP.HCM đều trả lời: không, chỉ có cửa cuốn. Điều đáng nói là tất cả những công ty đó đều coi cửa cuốn là cửa an ninh, có thể ngăn được kẻ trộm đột nhập. Theo ghi nhận, hàng loạt cửa hàng tại TP.HCM đều chào bán ba loại cửa cuốn thông dụng được giới thiệu xuất xứ từ Đài Loan, Đức và Úc. Các loại môtơ tự động để đóng, mở cửa cuốn thì chủ yếu là hàng Trung Quốc và Đài Loan với giá chênh lệch nhau khoảng 2 triệu đồng (một loại có giá khoảng 3 triệu đồng và một loại có giá hơn 5 triệu đồng đều bảo hành một năm). Để cửa cuốn tự động đóng mở, người ta sẽ ráp môtơ có gắn hộp sóng (có dòng mã) vào phía trên cùng của cửa cuốn. Trong môtơ sẽ có bộ nhận và phát sóng, đi kèm sẽ có hai remote (điều khiển) có mã khớp với mã trên hộp sóng để giúp đóng, mở cửa. Khảo sát hơn 10 cửa hàng lắp đặt, phân phối cửa cuốn tại nhiều quận ở TP.HCM, tất cả đều khẳng định: khi khách hàng mất các chìa khóa điện tử, họ sẽ làm lại chìa khóa bằng cách copy mã. Nhưng không chỉ có các cửa hàng là có thể làm chìa khóa cửa cuốn, tại một cửa hàng ở đường Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM), người bán hàng cho biết hàng này không bán rộng rãi, chỉ là hàng xách tay, rất khó kiếm trên thị trường, nếu đặt mua thì mới mang hàng về. Sau khi cho xem máy mẫu, người này nói giá khoảng 5 triệu đồng và đề nghị chúng tôi liên hệ với một người khác để đặt hàng. Người được giới thiệu sau một lúc giải thích về tính năng của máy thì ra giá 10 triệu đồng/máy (bao gồm cả phần đào tạo). Ở một địa chỉ khác, giá một chiếc máy copy mã có giá 4 triệu đồng và thấp nhất là một địa chỉ bán hàng trực tuyến qua mạng (tại Hà Nội) với giá chỉ 1,9 triệu đồng. TS Võ Trung Dũng, giảng viên khoa điện - điện tử (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), cho biết các loại cửa cuốn tự động điều khiển ở Việt Nam được đóng, mở bằng một bộ phát tín hiệu điều khiển và một mạch thu được gắn vào cửa, chủ yếu linh kiện có xuất xứ từ Trung Quốc. Một người lạ muốn phá khóa thì cần phải biết hệ thống điều khiển đó được thiết kế như thế nào, biết cách hoạt động của nó (cách mã hóa và cách truyền thông tin...). Từ remote tới bộ nhận cũng có cài mã (sẽ có một trong hai cách: mã cố định hay mã thay đổi mỗi lần bấm). Nếu chèn mã theo kiểu cố định thì có rất nhiều nhược điểm về an toàn an ninh. Người ta sẽ có thể dùng phần mềm, thiết bị để thu tín hiệu và đọc tín hiệu này để có thể dò ra mã này chỉ mất khoảng năm giây. Còn một cách khác là các “hack” cửa chỉ cần thu đúng tín hiệu điều khiển và ghi lại, khi cần mở khóa thì phát đúng lại loại tín hiệu này. TS Võ Trung Dũng còn cho biết ở nước ngoài, người ta sử dụng cửa cuốn cho nhà kho hay nhà chứa xe và luôn có lớp cửa nối nhà kho hay nhà chứa xe với nhà chính. Cửa cuốn ở nước ngoài được sử dụng gần như không liên quan đến việc bảo vệ an ninh cho gia đình. MỸ DUNG |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét