Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Quân nổi dậy phản công, Ukraine xin gia nhập NATO

Quân nổi dậy phản công, Ukraine xin gia nhập NATO

Quân chính phủ Ukraine tại một thị trấn ở miền Đông nước này ngày 28/8 - Ảnh: Reuters.


Ukraine hôm qua (29/8) đã xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với địa vị thành viên đầy đủ. Đây được xem là lời đề nghị giúp đỡ quân sự mạnh mẽ nhất mà Kiev từng đưa ra với phương Tây trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông.

Trong 72 giờ đồng hồ qua, quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine đã bất ngờ mở một chiến dịch mới và đẩy quân Ukraine ra khỏi một thị trấn chủ chốt ở khu vực chiến lược bên bờ biển Azov. Kiev và phương Tây nói rằng, cuộc phản công này của quân nổi dậy có được là nhờ sự xuất hiện của các đơn vị lính Nga được trang bị xe bọc thép. Ukraine và đồng minh cũng cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ như vậy của Nga, quân nổi dậy đã tiến gần tới chỗ suy sụp.


Việc Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của NATO, trong đó Kiev và Washington có một hiệp ước phòng thủ chung, khó có thể trở thành hiện thực, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Tuy vậy, động thái của Ukraine xin gia nhập khối quân sự này cho thấy, nước này đang gia tăng sức ép lên phương Tây để Mỹ và châu Âu phải tìm cách bảo vệ Kiev.


Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói, ông tôn trọng quyền tìm kiếm liên minh của Ukraine. “Cho dù Moscow có phủ nhận thế nào, rõ ràng quân và vũ khí của Nga đã di chuyển bất hợp pháp qua biên giới vào miền Đông và Đông Nam Ukraine. Đây không phải là một hành động đơn lẻ, mà là một phần cho chiến lược xuốt nhiều tháng qua nhằm gây bất ổn ở Ukraine”, ông Rasmussen nói.


Phương Tây đang tỏ ra hết sức quan ngại trước tình hình ở Ukraine. Phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói, Nga có thể sẽ lãnh thêm lệnh trừng phạt từ Liên minh châu Âu (EU). “Khi một quốc gia đưa quân vào một quốc gia khác mà không được sự đồng ý và chống lại ý chí của một quốc gia khác, thì đó gọi là một cuộc can thiệp và rõ ràng là chuyện không thể chấp nhận”, ông Fabius phát biểu.


Tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói: “Đang xảy ra sự xâm phạm biên giới, khiến chúng tôi lo ngại rằng tình hình đang vượt khỏi tầm kiểm soát”. Tại Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói, dấu chân của quân Nga là không thể phủ nhận trên đất Ukraine.


Hôm qua, các ngoại trưởng châu Âu đã họp ở Milan trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tuần. Các ngoại trưởng nêu rõ, EU sẽ bàn về khả năng tăng cường trừng phạt kinh tế Nga.


Tại Donetsk, một trong những căn cứ chính của lực lượng nổi dậy, một số quả đạn pháo đã nổ tại khu nhà ga trong ngày hôm qua, khiến ít nhất 4 người được cho là đã bị thương. Kiev cho biết đang tập trung lực lượng để bảo vệ cảng Mariupol, thành phố lớn tiếp theo trong hướng tiến quân của lực lượng nổi dậy ở miền Đông Nam.


Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận việc quân nổi dậy đã chặn thành công cuộc tấn công của Kiev, đồng thời kêu gọi quân nổi dậy cho phép lực lượng chính phủ Ukraine bị bao vây được rút lui. Trong một tuyên bố được điện Kremlin phát đi vào đêm ngày 29/8, ông Putin đã nhắc tới ưu thế mà quân nổi dậy ở Ukraine giành được trong mấy ngày gần đây: “Rõ ràng, lực lượng nổi dậy đã đạt được một số thành công rong việc chặn cuộc tiến công của Kiev”.


“Tôi kêu gọi lực lượng nổi dậy mở lối thoát nhân đạo cho các binh sỹ Ukraine đang bị bao vây nhằm tránh thương vong không đáng có, và để cho họ được rời khỏi vùng chiến sự an toàn, về với gia đình”, ông Putin nói.


Phe nổi dậy cho biết sẽ chấp nhận đề nghị của ông Putin cho phép quân Kiev rút lui, miễn là quân chính phủ giao nộp vũ khí và các trang thiết bị chiến đấu khác. Chính phủ Ukraine nói, điều này chỉ chứng tỏ rằng, các phần tử nổi dậy đang làm theo mệnh lệnh của Moscow.


Cũng trong ngày hôm qua, phát biểu trước các thanh niên Nga tại một trại hè, ông Putin nói, các thanh niên “cần sẵn sàng đẩy lùi bất kỳ sự gây hấn nào nhằm vào nước Nga”. Trong bài phát biểu này, ông Putin nhắc nhở các thanh niên về việc Nga là một cường quốc hạt nhân. “Các đối tác của Nga nên hiểu rằng, tốt nhất là không nên làm phiền chúng ta”, ông Putin nói.


Người đứng đầu điện Kremlin so sánh chiến dịch của Chính phủ Ukraine nhằm giành lại quyền kiểm soát các thành phố ở miền Đông như cuộc xâm lược kéo dài 900 ngày của Đức quốc xã đối với Liên bang Xô viết trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khiến hơn 1 triệu người dân vô tội thiệt mạng.


“Nhiều ngôi làng nhỏ và cách thành phố đang bị quân Ukraine bao vây, tấn công trực tiếp vào các khu vực dân cư nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng. Thực tế này làm tôi nhớ lại những sự kiện trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi phát xít Đức chiếm những thành phố của nước Nga”, ông Putin nói.


Tổng thống Nga cho rằng, giải pháp duy nhất mà Kiev nên theo đuổi cho cuộc khủng hoảng này là đàm phán trực tiếp với quân nổi dậy. Cho đến hiện tại, Chính phủ Ukraine vẫn từ chối đàm phán và cho rằng, quân nổi dậy được Nga xúi bẩy và tiếp tay nên chính Nga phải ghìm cương lực lượng này.


Đến nay, Nga vẫn phủ nhận đưa quân vào hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, chính quân nổi dậy nói rằng, hàng nghìn quân Nga đã giúp họ chiến đấu chống lại quân Kiev, và đây là những lính Nga đang “nghỉ phép”. Phóng viên của Reuters nói đã nhìn thấy một đơn vị lính Nga có xe bọc thép trên lãnh thổ Nga gần biên giới Ukraine. Đơn vị này có những dấu hiệu cho thấy vừa chiến đấu trở về, và không hề có quân hàm, quân hiệu trên đồng phục.


Reuters nhận định, sự xuất hiện kéo dài trước công chúng của ông Putin trong ngày thứ Sáu và tuyên bố của ông được điện Kremlin đưa ra vào buổi tối cùng ngày có vẻ như là một sự thừa nhận rằng, xung đột ở Ukraine đang đạt tới một bước ngoặt, có khả năng đòi hỏi sự hy sinh lớn hơn của nước Nga.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ cho thuê taxi tải

Dịch vụ cho thuê taxi tải vận chuyển hàng hóa