Tăng trưởng tín dụng đã giảm mạnh từ mức tăng trưởng quá mức 54%/năm (2007) xuống mức 7%/năm (2012) và 12%/năm (2013), thể hiện tình trạng thăng giáng thất thường trên thị trường tín dụng mấy năm vừa qua, khi thì bơm tín dụng ra quá mức, gây ra lạm phát và tín dụng chất lượng thấp, khi thì tạo ra sự “thiếu máu” trong nền kinh tế.
Tín dụng tuy tăng trưởng rất chậm trong 9 tháng đầu năm 2014, song đến cuối năm vẫn có khả năng đạt mức 12-14%/năm, tức là trong 3 tháng cuối năm lượng tín dụng gần như tăng gấp đôi so với cả 9 tháng trước đó.
Tín dụng có thể dễ dàng bơm ào ạt cho một số công trình đầu tư, cho một số tổng công ty nhà nước để đạt chỉ tiêu đề ra, song câu hỏi cần đặt ra, theo tôi là chất lượng tín dụng.
Trong bối cảnh kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều ngân hàng thương mại hiện nay đang thừa vốn, các doanh nghiệp có lãi chỉ đạt khoảng 31%, cầu có khả năng thanh toán trên thị trường rất thấp, hàng tồn kho công nghiệp ở trên 13%, cũng cần đặt ra câu hỏi khối lượng tín dụng này cần chảy vào đâu, chất lượng tín dụng thế nào và tác động đối với nền kinh tế tích cực đến đâu.
Ông đánh giá thế nào về lời hứa đưa giá vàng trong nước về sát với thế giới của Ngân hàng Nhà nước một năm về trước, nhất là trong bối cảnh giá vàng SJC chênh tới 5 triệu trong những ngày gần đây?
Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế kinh doanh vàng, chấm dứt tình trạng chen nhau mua vàng khi có biến động giá vàng, độc quyền việc nhập khẩu vàng và đấu thầu mua bán vàng trên thị trường trong nước và coi đó là một thành tựu góp phần ổn định thị trường ngoại hối.
Thống đốc cũng hứa sẽ mau chóng đưa chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới về mức xấp xỉ 500 nghìn VND/lượng, được coi là mức hợp lý. Tuy vậy, điều này cho đến nay chưa thực hiện được, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức rất cao, khoảng từ 4-5 triệu VND/lượng.
Chênh lệch lớn này là một cám dỗ cho buôn lậu vàng qua biên giới. Buôn lậu vàng sẽ gây ra tiêu hao ngoại tệ và hoạt động phi pháp.
Ngân hàng Nhà nước thu lãi từ độc quyền nhập khẩu vàng, và từng thông báo toàn bộ số lãi từ nguồn kinh doanh vàng được chuyển cho ngân sách. Song, thông tin về lượng vàng nhập khẩu, giá nhập khẩu, chi phí, cơ cấu giá, tỷ giá... chưa được công khai, minh bạch và hoạt động này chưa được giám sát độc lập từ Quốc hội. Việc Ngân hàng Nhà nước tự mình giám sát việc nhập và kinh doanh vàng, theo tôi là chưa hợp lý, có biểu hiện “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nên được khắc phục.
Ngân hàng Nhà nước cũng chưa cho biết lộ trình khôi phục sàn vàng theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, khắc phục tình trạng độc quyền kinh doanh vàng như hiện nay.
Việc hạ lãi suất huy động ngắn hạn vừa qua khiến lựa chọn gửi tiền VND vào ngân hàng đã bớt đi hấp dẫn, vậy các nhà đầu tư nên bỏ vốn vào kênh nào trong thời điểm này, từ góc nhìn của ông?
Việc hạ lãi suất gửi tiết kiệm vừa qua là biện pháp giảm bớt sức ép lên các ngân hàng thương mại đang ứ thừa vốn không cho vay được, và là cơ hội mở ra cho các hướng đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ và kinh doanh.
Hướng tích cực nhất, tôi nghĩ là đầu tư vào sản xuất kinh doanh những lĩnh vực đang rất cần đầu tư như xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, du lịch, nghỉ dưỡng hay đào tạo nghề, công nghiệp và dịch vụ trợ giúp cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như Samsung... Muốn vậy, môi trường đầu tư phải được cải thiện rõ rệt như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều vụ bắt giữ những doanh nhân từng có một thời "tiếng tăm" lại rơi vào giới chủ ngân hàng, theo ông thì hệ lụy đó có nguyên nhân từ đâu, và cần làm gì từ góc độ cơ quan quản lý ngành?
Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến nay đã có 400 nhân viên và chức sắc lãnh đạo ngân hàng trong nước bị bắt giam, khởi tố và kết án, trong khi không có nhân viên ngân hàng nước ngoài nào bị bắt giam.
Sự tương phản đau lòng này cho thấy chất lượng kinh doanh ngân hàng, vấn đề đạo đức kinh doanh là đáng báo động.
Thực trạng này cũng đặt ra câu hỏi chính đáng về chất lượng giám sát và quản lý ngành, và cũng đòi hỏi phải bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan, kể cả pháp luật về các thể chế tín dụng.
Có doanh nghiệp, cá nhân vẫn nắm quá tỷ lệ quy định về sở hữu cổ phần ngân hàng, ông nghĩ sao khi hiện tượng này vẫn tiếp diễn?
Đã có những hiện tượng không bình thường, như chủ tịch một ngân hàng vay một lượng lớn tín dụng của ngân hàng mình làm chủ tịch để đầu tư dự án; sở hữu chéo giữa các ngân hàng và doanh nghiệp; “tay không bắt giặc”, dùng vốn đi vay để chiếm đoạt ngân hàng... Tôi nghĩ, cần có sự điều tra độc lập của Quốc hội về tình trạng này để làm rõ sự thật, bắt đúng bệnh và có phương thuốc thích hợp. Càng để lâu càng phải trả giá đắt hơn.
NHẬT VY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét