Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình.
Những yếu tố có thể tác động đến mặt bằng lãi suất năm tới đã được nêu ra. Đó là giá dầu, lạm phát và nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
“Giả sử giá dầu tăng lên trong năm tới, dù ở mức 70 - 90 USD, cũng sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên. Năm nay Tết Âm lịch rơi vào tháng 2, khiến mặt bằng giá cả tăng trong tháng 1, nên khả năng CPI tăng trong quý 1 là cao...”, Thống đốc phân tích.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì lạm phát năm 2015 khoảng 4%, đây là con số hợp lý để duy trì lãi suất ở mức như năm 2014.
Tuy nhiên, “kinh tế tiếp tục phục hồi, chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn, nhu cầu về vốn cao, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 trong khoảng 13-15%… nên áp lực tăng lãi suất là lớn”, Thống đốc bình luận.
Liên quan đến tỷ giá, Thống đốc nói: “Mục tiêu điều chỉnh tỷ giá USD/VND năm tới không quá 2% không dễ thực hiện, khi nhìn dự báo xuất khẩu tăng 10%, thâm hụt cán cân thương mại 5%”.
Đã ba năm nay, tỷ giá ổn định với mức biến động không quá 2%. Riêng năm 2014, đến giờ này mới điều chỉnh 1%, nhưng ở thế chủ động.
Đó là ngày 19/6/2014, khi Ngân hàng Nhà nước bất ngờ điều chỉnh biên độ tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD từ mức 21.036 đồng/USD lên 21.246 đồng/USD, tương đương mức tăng 1%.
Nói là bất ngờ, vì quan sát bề mặt thì thời điểm đó tỷ giá trên thị trường đang bình yên: lạm phát ở mức thấp, Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng lớn ngoại tệ, đưa dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục là 35 tỷ USD…, đủ sức can thiệp thị trường nếu tỷ giá có biến động.
Vậy nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định điều chỉnh, với lý giải là cần chủ động hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, để tăng trưởng kinh tế có thể đạt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, những "rung rinh" với tỷ giá đầu tháng 12 mới đây cho thấy những áp lực nhất định đang đè lên tỷ giá, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cần thanh toán hợp đồng. Không ít ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh nốt quota còn lại để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Song theo ông Bình, việc phá giá tiền đồng vào cuối năm không có lợi cho nền kinh tế. “Vì đây là lúc các nhà xuất khẩu đã xuất khẩu rồi, trong khi nếu phá giá thì nhà nhập khẩu phải chịu chi phí cao hơn do chốt sổ vào cuối năm”, ông lý giải. Áp lực điều chỉnh tỷ giá cuối năm 2014 đã được Ngân hàng Nhà nước đẩy sang năm 2015.
Nói về quota 2% cho điều chỉnh tỷ giá năm 2015, Thống đốc nói con số này dựa trên tính toán khách quan, trên cơ sở các cân đối và phù hợp với yêu cầu hỗ trợ phát triển nền kinh tế, không vì mong muốn chủ quan mà "gò" thị trường theo.
Cũng không thể không nhắc đến một ẩn số có thể tác động gián tiếp đến tỷ giá, đó là giá dầu. Áp lực này cũng đã được Thống đốc thừa nhận.
Có lẽ không quá lời khi nói, áp lực tăng lãi suất và tỷ giá sẽ là hai nỗi lo lớn nhất của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước trong năm 2015.
Tuy nhiên, bất chấp có những trở ngại, dường như sự ổn định và niềm tin của thị trường vẫn là ưu tiên số 1 đối với ông.
TRẦN GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét