Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, khi đăng đàn tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội đã đề nghị "khi nói kinh tế - xã hội có sự chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, các lĩnh vực như báo cáo của Chính phủ thì cần cân nhắc, thận trọng để tránh sự chủ quan".
Và, vẫn như kỳ họp trước, đăng ký lần lượt, ưu tiên mỗi đoàn đều có tiếng nói, lại cơ bản tán thành cả báo cáo của Chính phủ lẫn báo cáo thẩm tra, dù hai báo cáo này không hẳn giống nhau, rồi sau chữ tuy nhiên thì kể ra vài hạn chế…
Tất nhiên, không phải ai đăng đàn cũng đề cập từ nợ xấu đến lãi suất sang lạm phát, bội chi...., cũng nói những điều “biết rồi khổ lắm nói mãi”.
Những chiếc tai nghe ở trung tâm báo chí đã đồng loạt phát huy tác dụng ngay sau khi đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói Đại hội Đảng lần thứ 12 phải là một cuộc cách mạng về nhân sự, những người năng lực kém, đầu óc cũ kỹ quá thì không nên giao chức vụ cao.
Và, dù chỉ có thể theo dõi qua màn hình, sáng 31/10, nhiều phóng viên đang uể oải vì phải nghe đi nghe lại điệp khúc mà đa số là nhắc lại ở các tài liệu có sẵn đã bật dậy chăm chú khi một vị đại biểu nói “chúng ta phải quyết tâm xây dựng quân đội nước ta mạnh như quân đội của Triều Tiên”.
Rồi trung tâm báo chí rộ lên tiếng cười, có cả tiếng vỗ tay, những tiếng cười và tiếng vỗ tay đa nghĩa.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cuối chiều 1/11 nói rằng rất chân thành và từ đáy lòng ông đánh giá rất cao các phát biểu của các đại biểu, từ thảo luận về kinh tế, xã hội cho đến tái cơ cấu nền kinh tế đã đóng góp nhiều ý kiến rất hay.
Nhưng, một số vị đại biểu khác lại cho rằng đã đến lúc Quốc hội nên đổi mới cách thảo luận dàn hàng ngang, tức là cứ bấm nút đăng ký và đọc một bài chuẩn bị sẵn trong vòng 7 phút.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm kiên trì quan điểm là tại các phiên thảo luận toàn thể chỉ nên chọn một số vấn đề lớn mà qua thảo luận tại tổ được nhiều vị quan tâm, song còn có ý kiến khác nhau để bàn bạc thật thấu đáo và đi đến quyết sách có thể tạo đột phá cho phát triển.
Một trong số các vấn đề, theo đại biểu Tâm rất cần được bàn bạc thật kỹ tại kỳ họp này, là tại sao 13/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2014 được đánh giá là hoàn thành mà đất nước còn nhiều khó khăn như thế, cử tri còn nhiều lo lắng đến vậy.
Hay về nợ công, nhiều đại biểu Quốc hội cho là căng thẳng nhưng Chính phủ khẳng định chưa có gì nguy hiểm cả thì cần tranh luận xem số liệu hiện tại đã tính đúng tính đủ chưa, cơ sở nào để định ra ngưỡng 65% GDP là an toàn. Nên xoáy sâu vào từng vấn đề, có tranh luận, có phản biện, có lắng nghe thì những vấn đề trọng tâm mới bật lên được, là quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm.
Quan điểm này cũng gần với góp ý của một số vị đại biểu khi tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 là nên điều hành thảo luận kinh tế - xã hội theo hướng đi đến cùng một số vấn đề lớn, chứ không nên mời phát biểu theo thứ tự đăng ký theo cách lâu nay vẫn diễn ra.
Đã gần hết nhiệm kỳ mới, Quốc hội vẫn duy trì cách thảo luận chung chung và dàn trải như nhận xét của đại biểu Tâm và một số vị đại biểu khác nữa.
Nhưng, ba ngày thảo luận đó, cũng có lúc ở nghị trường, nói theo ngôn ngữ dân gian là “ý tưởng lớn gặp nhau”, khi có không ít đại biểu cùng nói về thành tích của một ngành với nhận định giống nhau đến từng chữ, cùng lập luận về sự khó khăn của ngành này với quan điểm như cùng trích y nguyên từ cùng một văn bản. Thậm chí có những thuật ngữ rất chuyên ngành cũng được lặp đi lặp lại cả ở các phát biểu của những vị khá xa lạ với chuyên môn sâu của ngành đó.
Đó, cũng chưa phải là điều quá lạ. Vì việc ngành này, ngành khác gửi thêm tài liệu ngoài danh mục cho đại biểu cũng là chuyện đã dần không còn xa lạ ở nghị trường. Lạ, chính là khi có một vị đại biểu trình bày gần như nguyên văn một văn bản, do một cơ quan chuẩn bị sẵn và nhân bản đưa đến tay một số vị đại biểu khác nữa.
Thế nên, giờ giải lao hôm đó, một vị đại biểu khác góp ý với vị này rằng: khen họ cũng được, nếu họ đáng khen, nhưng hãy khen theo ý của mình, đừng đọc nguyên văn cái họ đưa cho mình.
Nghị trường năm người mười ý là vậy. Nhưng ý nào là đại diện cho đông đảo nhân dân, là vì lợi ích của quốc gia dân tộc, thì có lẽ cử tri cũng không khó để cảm nhận.
Có vị đại biểu đương nhiệm từng nói, đôi khi im lặng cũng là dũng cảm, đừng vì áp lực phải xuất hiện trước ống kính truyền hình trực tiếp mà nhất định phải đăng đàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét