Có một thực tế không mong đợi với các ngân hàng những tháng đầu năm nay: tín dụng liên tục tăng trưởng âm, miếng bánh tổng dư nợ co lại thì sức choán của nợ xấu trong đó lớn lên.
Điểm lại, chỉ riêng từ đầu năm đến nay đã có cả chục cuộc hội thảo, tọa đàm lớn nhỏ xoay quanh chủ đề trên. Đã ba năm rồi, kể từ khi nợ xấu lộ thiên từ 3,4% lên mức cảnh báo khoảng 10%, nhiều thảo luận trong khuôn khổ các cuộc hội thảo, tọa đàm đó vẫn dày kín tư liệu kinh nghiệm của thế giới, các giải pháp khuyến nghị, con đường nào cho Việt Nam… như một sự tươi mới.
Còn nợ xấu tăng vẫn cứ tăng. Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn chỉ có một con đường: tự cứu mình là chính.
Khao khát tăng tín dụng
Như VnEconomy từng đề cập, suốt đầu năm đến nay, thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% năm nay dường như không còn là áp lực đơn thuần về kinh tế. Nó còn có dáng dấp của ý chí chính trị, mang sức nóng của dư luận xã hội nữa.
Doanh nghiệp khát vốn đã đành, chính các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước hẳn còn khao khát hơn về tiến độ thực hiện chỉ tiêu đó.
Với 80-90% nguồn thu từ tín dụng, vốn đẩy ra hạn chế thì các ngân hàng càng chịu áp lực lợi nhuận. Với Ngân hàng Nhà nước, tín dụng càng ì ạch ở mức thấp, vai trò điều tiết vốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế càng yếu đi.
Nhưng, Ngân hàng Nhà nước cũng có lý lẽ riêng của mình. Như Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng nhiều lần lập luận: trước đây, để có 1% tăng trưởng kinh tế cần 4-5%, thậm chí 6-7% tăng trưởng tín dụng, thì nay chỉ cần khoảng 2% mà thôi. Và có một điểm nữa có thể so sánh, nhưng chưa thấy Thống đốc Bình nói đến.
Đó là, trước đây tín dụng tăng trưởng phổ biến trên 30% mỗi năm, thì lạm phát cũng tăng ở mức hai con số, thậm chí gần 20%. Theo đó, phần lớn tín dụng tăng thêm là để bù cho chi phí đội lên của doanh nghiệp vay vốn chứ không hẳn dồn cho mở rộng và tăng cường sản xuất kinh doanh. Nay, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tín dụng tăng trưởng thấp nhưng có thực chất hơn vì vốn vay không phải còng lưng bù giá cả đầu vào liên tiếp tăng cao như trước.
Dù có thể biện minh như vậy, nhưng khi nói Ngân hàng Nhà nước cũng khao khát tín dụng tăng trưởng hơn nữa còn có lý do khác nữa. Đó là liên quan đến nợ xấu.
Vì sao những tháng đầu năm nay nợ xấu tăng nhanh? Có nhiều lý do. Song cũng có một thực tế không mong đợi với các ngân hàng: tín dụng liên tục tăng trưởng âm, miếng bánh chung co lại thì sức choán của nợ xấu trong đó lớn lên thôi.
Theo lẽ đó, nếu tín dụng tăng trưởng mạnh hơn, miếng bánh chung nở ra sẽ giúp co tỷ lệ nợ xấu lại mà có thể khiến nó “đẹp” hơn về tỷ lệ. Từ tháng 7 đến nay, tín dụng chuyển động tốt hơn (hiện đã tăng gần 7%), tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng có phần dịu lại.
Tự xử lý là chính
Nếu tín dụng tăng trưởng mạnh, nợ xấu sẽ được “xử lý” một phần trong tương quan với tổng dư nợ, thì đó cũng là giải pháp nội bộ mà thôi. Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng tự xử lý là chính.
Họ gia tăng trích lập dự phòng, dùng nguồn dự phòng xóa nợ xấu; thực hiện cơ cấu lại nợ mà không chuyên nhóm cho doanh nghiệp có triển vọng; đưa nợ xấu ra ngoại bảng bằng cách bán lại cho VAMC; thúc đẩy thu hồi qua xử lý tài sản đảm bảo…
Chỉ có một con đường, tự xử như vậy vẫn là chính, bởi trước nay Việt Nam không có nguồn ngân sách nào (kể cả về quan điểm dùng ngân sách) dành cho xử lý nợ xấu. Cả sự phối hợp và trách nhiệm xử lý nợ xấu của các bên liên quan cũng hạn chế.
Giả dụ, trước đây Bộ Xây dựng có một chiến lược phát triển và kiểm soát phát triển thị trường bất động sản hợp lý hơn, hẳn nó sẽ bớt gánh nặng đối với nợ xấu hiện nay. Hoặc lúc này, những khó khăn của thị trường bất động sản được xử lý tốt hơn, nợ xấu có thêm cơ sở để giải quyết. Tương tự, quá trình tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước có chuyển biến cũng sẽ giúp cải thiện quan hệ tín dụng ở đây. Hay trong xây dựng cơ bản, bớt nợ đọng cũng sẽ bớt ảnh hưởng đến nợ xấu ngân hàng…
Trước khi có được tổng hòa các sự hỗ trợ đó, hệ thống ngân hàng vẫn phải tự xử. Nhiều giải pháp đã được triển khai. Đến nay, khi chỉ có một con đường tự thân đó, chỉ còn lại cách là Ngân hàng Nhà nước trực tiếp nhảy vào xử lý nợ xấu.
Nói gì thì nói, nợ xấu tăng cao hiện nay có một phần nguyên nhân từ chính các tổ chức tín dụng, từ những lỗ hổng quản trị điều hành đến rủi ro đạo đức. Vậy thì, ngân hàng nào nặng nợ xấu mà không tự xử lý được, Ngân hàng Nhà nước vào cuộc bằng cách mua lại ngân hàng đó rồi trực tiếp khắc phục.
Đó cũng là một hướng thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống, mà đầu năm nay Chính phủ đã có nghị quyết mở ra cơ chế. Nhưng, dĩ nhiên, luôn có khoảng cách từ lý thuyết đến thực tế, ở cách tự xử dường như là cuối cùng này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét