Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

“Lớp học 5 sao”ở Nha Trang

“Lớp học 5 sao”ở Nha Trang

Trường Võ Văn Ký tại trung tâm TP Nha Trang, có 24 lớp với 923 học sinh thuộc bốn khối lớp THCS, không gian khá chật hẹp.


Phòng học “xã hội hóa”


Đưa PV đến quan sát phòng học của lớp 7/1 mà PHHS gọi là “lớp học 5 sao”, thầy Nguyễn Hoàng - phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết do trường khá chật và lại nằm sát đường A.Yersin, một đường lớn của TP Nha Trang có nhiều xe cộ lưu thông, nên bao nhiêu năm qua cả học sinh và thầy cô thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ ngoài đường dội vào. Vì vậy vừa qua tập thể PHHS lớp 7/1 và giáo viên chủ nhiệm đã có đề nghị nhà trường chấp thuận để PHHS tự đóng góp, trang bị thêm theo kiểu “xã hội hóa” cho phòng học.


Các thiết bị chính mới được trang bị thêm cho lớp từ tiền đóng góp của PHHS là hai máy lạnh, gắn thêm mấy chiếc quạt gió treo tường và hai chiếc loa nhỏ. Các cửa sổ và cửa ra vào được lắp thêm mấy cửa kính khung nhôm để mở máy lạnh và bớt tiếng ồn từ bên ngoài. Chiếc tủ đựng đồ dùng học tập chung của từng lớp được nhà trường trang bị được thay bằng một chiếc tủ mới hơn... Thầy Hoàng còn cho biết PHHS của lớp cũng đã đề nghị được lắp thêm chiếc côngtơ điện để chi trả khoản tiền điện tăng thêm do sử dụng máy lạnh. Còn đèn chiếu trong phòng lớp 7/1 là một trong bốn lớp do trường trang bị để phục vụ chung cho giáo viên thao giảng, dạy giáo án điện tử.


Theo cô Đinh Thị Thu Thủy - hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Ký, lớp 7/1 là lớp đầu tiên được nhà trường đồng ý thực hiện “thí điểm”, sau khi có ý kiến đóng góp của ban đại diện cha mẹ HS của trường, để PHHS đóng góp trang bị thêm các thiết bị học tập theo kiểu “xã hội hóa” như kể trên. Còn cô Ái Vân - giáo viên chủ nhiệm lớp 7/1 - cho biết: “Thực tế trong lớp cũng có một số học sinh nghèo, chính tôi còn phải đi xin học bổng cho các em. Còn việc trang bị thêm cho lớp là do PHHS đề xuất sau khi đến dự họp trong lớp thấy nóng và bị nhiều tiếng ồn. Trong đó, một số PHHS tự nguyện đóng góp 2-3 triệu đồng, nhiều PHHS cho thêm hơn mức đóng góp chung và cũng có mấy trường hợp PHHS không góp vì có hoàn cảnh khó khăn...”.


Quan sát các phòng học còn lại trong trường, mỗi phòng đều được trang bị hai quạt trần cánh lớn và có chiếc quay khá lờ đờ; có phòng được “đóng góp” gắn thêm vài chiếc quạt treo tường. Phòng học của lớp 6/6, đúng như PHHS đã phản ảnh, trần laphông nhựa có cả hai màu mới, cũ và có một khoảng trống ở chỗ một miếng laphông mất chưa được lắp bù. Theo cô hiệu trưởng, cho đến nay phòng học của lớp 7/1 là phòng duy nhất của cả trường được trang bị máy lạnh từ hai tuần qua... Có lẽ vì thế mà lớp học này mới được “phong” quá lên là “lớp học 5 sao” so với điều kiện chung của cả trường.


“Cắn răng tự nguyện” đóng góp?


Liên quan đến việc đóng góp tiền của PHHS, theo hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Ký, tổng các khoản thu chung vào đầu năm học ở trường là gần 800.000 đồng/học sinh. Trong đó các khoản tiền bắt buộc là 580.000 đồng (gồm học phí, các khoản theo quy định, bảo hiểm y tế...) và còn lại là khoản “thu hộ”. Việc PHHS phản ảnh tại lớp 6/6 ngoài mức thu chung các khoản vừa nêu PHHS còn đóng góp thêm 800.000 đồng nữa (tức tổng cộng gần 1,6 triệu đồng) là để trang bị cho “lớp chọn”...


Cô Thủy cho hay họp PHHS cô có việc phải đi vắng nhưng giáo viên chủ nhiệm lớp 6/6 có gọi điện thoại xin ý kiến về đề xuất đóng góp của PHHS để mua tivi trang bị thêm cho lớp học này, nhưng đến nay nhà trường vẫn không đồng ý... Vậy thì liệu có tình trạng “lạm thu”, “loạn thu” hay “luồn lách thu” theo kiểu khiến PHHS phải “cắn răng tự nguyện” quyên góp hay không? Với câu hỏi này, hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Ký đã cho biết: Việc quyên góp của PHHS ở các lớp đều đã được nhà trường quy định và các lớp thực hiện đều có bản cam kết “thực hiện theo tinh thần tự nguyện, không được ép buộc, đóng góp theo kiểu “cào bằng” mà phải có miễn, giảm đối với những trường hợp gia đình học sinh nghèo, PHHS có khó khăn...”.


PHAN SÔNG NGÂN









“Lớp học 5 sao ở trường công”


Ở thành phố Nha Trang, Trường trung học cơ sở Võ Văn Ký có tổng cộng 24 lớp cho cả bốn khối. Năm học 2013, bỗng nhiên chỉ có lớp 7/1 phòng học được gắn máy lạnh, bên trong được sơn sửa và trang trí khá đẹp mắt, hệ thống chiếu sáng đạt chuẩn quốc gia, bảng chống chói mới tinh và các phương tiện học tập đa phương tiện được trang bị tận răng như máy chiếu, laptop, micrô không dây...


Còn các lớp khác thì sao? Theo thông lệ họp đầu năm học, tất cả PHHS lớp 6/6 (lớp con tôi) được cô giáo chủ nhiệm giới thiệu là lớp chọn của khối 6. Nhưng nhìn lại phòng học thì xập xệ, laphông trần bị bong tróc, tường thì ố bẩn, quạt trần có hai cái nhưng cái chạy được thì lờ đờ, cái còn lại thì im re, một phụ huynh thử bật đèn nhưng bốn bóng chỉ còn hai bóng sáng. Lo cho sức khỏe của con em, phần thì nóng nực học không được (phòng nằm ở đầu hồi hướng tây), phần thì thiếu ánh sáng, kiểu này sớm muộn gì các con mình cũng bị mang cặp kính dày cộp nên mọi người nhốn nháo bàn tán. Ban đại diện cha mẹ HS lớp (đã được cô giáo tuyển chọn trước khi họp và đã tham gia đại hội phụ huynh toàn trường trước đó hai ngày) thừa thắng xông lên hô hào xã hội hóa giáo dục và số tiền đóng góp để sơn sửa lại phòng học, gắn thêm quạt và đèn lên đến 800.000 đồng/học sinh (ngoài số tiền 800.000 đồng/học sinh đã đóng cho nhà trường khi mới nhập học). Nhiều phụ huynh toát mồ hôi nhưng ráng cắn răng chịu cũng vì tương lai con em chúng ta. Lớp 7/1 được trang bị tận răng, lẽ nào lớp con là “lớp chọn” lại chịu thua thiệt quá xa coi sao được...


Thiết nghĩ đã học cùng trường thì các cháu phải được bình đẳng và được hưởng quyền lợi như nhau, tại sao có sự phân biệt này? Không lẽ một đại gia có con học ở lớp nào đó có quyền trang bị cho lớp đó như họ muốn được sao?


Một PHHS ở Nha Trang



____________


Tin bài liên quan:


>> Mượn tay hội phụ huynh lạm thu tiền trường

>> Không nên thu những khoản ngoài quy định

>> Quỹ hội phụ huynh là của ai?

>> Thí điểm giám sát thu - chi tiền trường






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ cho thuê taxi tải

Dịch vụ cho thuê taxi tải vận chuyển hàng hóa