Thế giới lần đầu biết tới Đa Đa, tên thật Hà Nghi Đức, vào năm 2012. Khi đó, một đoạn video được tung lên mạng cho thấy cậu bé với thân hình gầy gò đang run rẩy trong thời tiết lạnh cóng ở ngoài trời New York - Mỹ. “Cha ơi, cha ơi, làm ơn ôm con!” - cậu bé 4 tuổi nước mắt giàn giụa.
Không nuông chiều
Bất chấp việc tuyết đang rơi và nhiệt độ rất lạnh, cậu bé chỉ được cha là Hà Liệt Thắng cho mặc một chiếc quần lót và đi đôi giày trắng. Khi đó, gia đình cậu bé tới Mỹ du lịch nhưng có thể thấy Đa Đa không có chút thời gian nghỉ ngơi nào khi có ông bố như thế.
Hồi tháng 9-2013, Đa Đa trở thành phi công trẻ nhất thế giới khi chỉ 5 tuổi Ảnh: WEIBO
Đoạn video đã vấp phải vô số chỉ trích từ khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, ông Hà chẳng thèm đoái hoài và khẳng định biết rõ mình đang làm gì. “Tôi cảm thấy cha mẹ Trung Quốc quá nuông chiều đứa con một. Đây là kiểu giáo dục của đại bàng. Tôi dồn con mình đến một giới hạn khiến nó phải học cách tự giải quyết vấn đề” - ông Hà tuyên bố trước làn sóng phẫn nộ của dư luận.
Tháng 10-2012, Đa Đa leo lên độ cao 1.000 m trên núi Phú Sĩ - Nhật Bản nhưng cậu bé bị chứng say độ cao, phải nhờ tới một đội leo núi địa phương cứu mạng. Tháng 9-2013, cậu bé điều khiển chiếc máy bay hạng nhẹ trên không trong khoảng 30 phút ở độ cao hơn 300 m tại khu bảo tồn gần Bắc Kinh. Dĩ nhiên, có một huấn luyện viên dạy bay ngồi kèm để bảo đảm không có rủi ro xảy ra.
Giờ đây, căn hộ chung cư của gia đình họ Hà tại TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô treo đầy giấy chứng nhận từ nhà chức trách Trung Quốc và cả các kỷ lục thế giới. Trong số đó có chứng nhận Đa Đa là phi công trẻ nhất thế giới, người trẻ nhất từng mở một công ty đầu tư...
Kẻ khen người chê
Trong cuộc gặp mới đây, phóng viên đài CNN nhận xét Đa Đa trông tràn đầy năng lượng và rất tự tin, vui thích khi được nói ra suy nghĩ của bản thân. Có thể nói cuộc sống không phải lúc nào cũng khổ cực đối với cậu bé. Đa Đa sống khá thoải mái và vẫn mơ ước lớn lên trở thành doanh nhân thành đạt như Bill Gates. Khi được hỏi bản thân nghĩ gì về các phương pháp dạy dỗ của bố, cậu bé trả lời: “Điều tốt là cháu có thể học được rất nhiều thứ. Điều tệ là bố quá nghiêm khắc”.
Bên cạnh những ý kiến chỉ trích cách dạy dỗ không thương tiếc của ông Hà, cũng có nhiều người bày tỏ quan điểm đồng tình trên các diễn đàn mạng ở Trung Quốc. Theo các cư dân mạng, thế hệ trẻ Trung Quốc hiện quá yếu đuối do được chăm bẵm, nuông chiều hết mực, đến độ nghiễm nhiên trở thành các tiểu hoàng đế.
Một người cũng chọn cách nuôi dạy con cái theo kiểu cứng rắn là “mẹ hổ” Amy Chua. Bất chấp những chỉ trích “độc ác”, “nhẫn tâm”..., cuốn sách Khúc chiến ca của mẹ hổ được xếp là sách bán chạy thứ 6 trên mạng Amazon và nhận được 100.000 bình luận trên trang mạng Facebook khi xuất bản năm 2011.
Ba năm sau khi cuốn sách ra mắt, bà Amy Chua cảm thấy nó thực sự có những đóng góp nhất định. Ban đầu, bà tưởng như mình sẽ bị “trục xuất” khỏi nước Mỹ. Thế nhưng, khi mọi người bắt đầu đọc cuốn sách, đã có một sự biến chuyển về mặt nhận thức. Bà cho biết ngay cả những người không đồng ý với bà cũng thay đổi suy nghĩ sau khi đọc quyển sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét