Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 25/9 đã thay mặt Chính phủ Mỹ ký ATT bên lề kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc bất chấp sự phản đối mạnh mẽ tại Thượng viện Mỹ - nơi văn kiện này cần phải được thông qua.
Bày tỏ sự hài lòng khi tham gia hiệp ước này, ông Kerry khẳng định ATT là một "bước đi quan trọng" nhằm đảm bảo sự an toàn của thế giới và là một sự đột phá trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình toàn cầu. Hiệp ước ATT kiểm soát các hoạt động mua bán vũ khí thông thường toàn cầu từ xe tăng, xe bọc thép, máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, tên lửa đến các loại súng tấn công hạng nhẹ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Hiệp ước này sẽ giúp vũ khí không rơi vào tay những kẻ khủng bố và các thành phần bất hảo. Nó cũng giúp giảm bớt nguy cơ vận chuyển xuyên quốc gia các vũ khí thông thường có thể được sử dụng thực hiện những tội ác dã man nhất thế giới. Điều này giúp người Mỹ an toàn và nước Mỹ mạnh mẽ. Hiệp ước trên nhằm thúc đẩy hòa bình quốc tế và an ninh toàn cầu cũng như các mục tiêu nhân đạo quan trọng. Bên cạnh đó, nó không hủy hoại tính hợp pháp của hoạt động mua bán vũ khí quốc tế.”
Do Mỹ là nước buôn bán vũ khí lớn nhất thế giới, nên động thái trên của Washington được coi là có ý nghĩa quan trọng đối với thành công của hiệp ước, mặc dù vẫn còn nhiều nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu khác chưa ký. Một số thượng nghị sĩ Mỹ phản đối hiệp ước cho rằng văn kiện này có thể vi phạm quyền được mang vũ khí của người Mỹ, song ông Kerry khẳng định hiệp ước này không kiểm soát hoạt động buôn bán vũ khí trong nước.
Hồi tháng 4 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua ATT với 154 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 23 phiếu trắng. Sau khi được Đại hội đồng thông qua, hiệp ước này sẽ có hiệu lực sau 90 ngày với ít nhất 50 quốc gia ký kết và phê chuẩn. Trung Quốc là một trong số 23 quốc gia bỏ phiếu trắng và tuyên bố lập trường hiệp ước này cần phải đạt được đồng thuận và thừa nhận của tất cả các nước.
Các tổ chức quốc tế ủng hộ việc kiểm soát súng đạn hy vọng trong ngày họp đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ngày 25/9) sẽ có hơn 100 quốc gia tham gia ký kết hiệp ước này. Theo ước tính của các tổ chức này, cứ mỗi phút lại có một người thiệt mạng do bạo lực vũ trang và cần phải có một hiệp ước ngăn chặn dòng chảy vũ khí và đạn dược không kiểm soát đang làm nóng các cuộc chiến, sự hung bạo và vi phạm quyền con người tại nhiều quốc gia./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét