Trong ngày 30/5, tàu kiểm ngư VN đã tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách khoảng 2,8 hải lý để yêu cầu TQ lập tức rút giàn khoan. Không thể ngăn cản, TQ đã vội vã gọi thêm máy bay và tàu Hải giám để ngăn cản và đâm va tàu VN
Máy bay Trung Quốc thăm dò và uy hiếp tinh thần các tàu chấp pháp của Việt Nam ở độ cao rất thấp. |
* Cục Kiểm ngư – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, số tàu Trung Quốc trong ngày 30/5 duy trì 117 tàu (gồm 33 tàu hải cảnh, 17 tàu kéo, 13 tàu vận tải, 4 tàu quân sự và 50 tàu cá vỏ sắt). Số tàu dao động so với hôm qua (29.5) là do phía Trung Quốc đã đưa một số tàu về. Ngoài ra, tại hiện trường, Trung Quốc vẫn sử dụng máy bay hoạt động ở khu vực giàn khoan.
Trong ngày, lực lượng kiểm ngư di chuyển từ khu vực Đông Nam giàn khoan vào cách giàn khoan 5-6 hải lý, bị nhóm tàu Trung Quốc gồm tàu hải cảnh, tàu ngư chính, tàu kéo, tàu vận tải tổ chức áp sát, vây ép. Tuy nhiên tàu kiểm ngư Việt Nam vẫn tiếp cận giàn khoan thực hiện công tác tuyên truyền dù bị tàu Trung Quốc ngăn cản quyết liệt.
Trước tinh thần kiên quyết, lực lượng kiểm ngư đã tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách gần nhất từ trước tới nay khoảng 2,8 hải lý để thực hiện nhiệm vụ.
Tàu cá Trung Quốc tập hợp thành nhóm 35 tàu cá cùng 2 tàu hải cảnh ngăn cản vây ép tàu cá Việt Nam ở khoảng cách giàn khoan từ 30-35 hải lý. Theo quan sát của lực lượng chấp pháp Việt Nam: Trung Quốc vẫn duy trì 4 tàu, trong đó có hai tàu hộ vệ tên lửa và hai tàu quét mìn hoạt động cách giàn khoan từ 7-10 hải lý.
* Bắc Kinh một lần nữa đổ lỗi cho Washington về những bất ổn trên Biển Đông sau khi hàng loạt quan chức cấp cao Mỹ lên án thói ứng xử ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển này, tờ Vnexpress cho biết,
Nói về an ninh trên Biển Đông và biển Hoa Đông, phát ngôn viên Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nói "từ khi Mỹ chuyển hướng sang châu Á, một vài quốc gia bắt đầu lợi dụng để tạo rắc rối về vấn đề lãnh thổ".
Tàu hải cảnh Trung Quốc |
* PV Hồng Chuyên của Infonet từ thực địa báo về, ngay từ lúc 7h00 sáng nay, tàu cảnh sát biển 2016 của Việt Nam đã có cuộc đụng độ dữ dội với các tàu của Trung Quốc ở khoảng cách 9 hải lý so với giàn khoan Hải Dương 981.
“Ngay từ lúc 7h, khi tàu cảnh sát biển 2016 của Việt Nam đang tiến vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981 đang hạ đặt trái phép, ở khoảng cách còn khá xa (khoảng 9 hải lý), một số lượng rất đông tàu của Trung Quốc đã ồ ạt xông ra cản phá. Trong đó hung hăng nhất là các tàu 6001, Hải cảnh 31. Các tàu của Trung Quốc sử dụng chiến thuật chặn đầu, chặn đuôi và đâm ngang trực diện nhằm gây tổn thất cho tàu chấp pháp của Việt Nam.
Tuy vậy, tàu CSB 2016 vẫn kiên trì phát loa tuyên truyền, yêu cầu các tàu Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động phi pháp trong vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Cùng với đó là tàu 2016 phải liên tục cơ động, vòng tránh, chống đâm va. Các tàu của Trung Quốc còn nhiều lần cố tình chạy cắt mặt đột ngột để tạo hiện trường giả là tàu của Việt Nam đâm húc tàu của họ nhằm phục vụ cho mục đích tuyên truyền, vu khống Việt Nam. Dù đã hết sức tránh, tuy nhiên có những lúc khoảng cách giữa tàu của Việt Nam và tàu Trung Quốc chỉ còn khoảng dưới 50m”, phóng viên Hồng Chuyên cho biết.
* Hãng tin Reuters ngày 29/5 dẫn lời một số chuyên gia công nghiệp Trung Quốc cho rằng giàn khoan Hải Dương 981 sẽ được di chuyển tới khu vực khác trên Biển Đông sau khi hoàn tất hoạt động thăm dò gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo Tuổi trẻ Online.
Ông Lâm Bá Cường, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế năng lượng của Đại học Hạ Môn kiêm cố vấn Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho biết giàn khoan này được thiết kế để khai thác dầu ở các vùng nước sâu trên biển Đông và không loại trừ khả năng nó sẽ được kéo đến vùng biển ở quần đảo Trường Sa.
* Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Australia mới đây, tiến sỹ John Lee thuộc Đại học Sydney nhận định việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động gây hấn chưa từng có tiền lệ và làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông.
Tiến sỹ John Lee lên án các hành động của Trung Quốc trong vài tuần qua đã đi quá giới hạn, đòi hỏi các nước lớn trong khu vực có phản ứng phù hợp.
* 10h50 ngày 30/5, một máy bay cánh bằng của Trung Quốc bay ra từ phía giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) lắp đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã bay lượn nhiều vòng phía trên đội hình các tàu chấp pháp của Việt Nam, phóng viên Đức Trường của tờ Hà Nội Mới cho biết.
Chiếc máy bay này mang số hiệu V3843TMS bay nhiều vòng trên tàu cảnh sát biển 8033 của Việt Nam và có lúc bay ngang trên tàu cảnh sát biển 2015. Máy bay này bay thấp chỉ khoảng 800m và phóng viên Báo Hà nội mới có thể chụp ảnh rõ nét. Sau khoảng 1h bay trinh sát, chiếc máy bay này tăng độ cao bay về phía đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981.
* Sáng nay, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã có một loạt các cuộc gặp song phương, trong đó có gặp Bộ trưởng quốc phòng Anh, Bộ trưởng quốc phòng New Zealand cũng như đại diện tập đoàn vũ khí hàng đầu thế giới Lockheed Martin tại Đối thoại Shangri-la. Trong ngày mai, Bộ trưởng sẽ có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng quốc phòng Pháp, tờ Tiền Phong đưa tin.
Hôm qua, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội, Trung tướng Vương Quán Trung sẽ dẫn đoàn tham dự diễn đàn này. Theo ông Cảnh Nhạn Sinh, trong thời gian tham dự đối thoại Shangri-La, Trung tướng Vương Quán Trung sẽ có bài phát biểu diễn văn, diễn giải quan niệm an ninh châu Á và điều dư luận thế giới quan tâm là đại diện Trung Quốc sẽ nói gì trong diễn đàn này.
* Trên Thanh niên trưa nay đưa tin, ngay từ đầu năm 2014, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã “bật đèn xanh” cho kế hoạch đem giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng biển Việt Nam , bất chấp khả năng gây căng thẳng, tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) tiết lộ.
Trung Quốc trong một thời gian dài đã không đả động gì đến đề xuất khoan dầu ở biển Đông vì nước này không có công nghệ khoan dầu ở vùng biển sâu ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tờ báo Nhật cho hay.
Tuy nhiên, vào năm 2008, CNOOC đã chi khoảng 953 triệu USD để sản xuất giàn khoan biển sâu Hải Dương - 981 và giàn khoan này đã xuất xưởng hồi tháng 5.2011.
* Ngày 29/5/1014, bà Svetlana Lurie - nhà báo, nhà dân tộc học, tiến sỹ, hiện phụ trách khối nghiên cứu nhân học văn hóa và xã hội học dân số của Viện xã hội học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga - đăng trên trang Terra America bài báo 'Việt Nam-Trung Quốc: mối xung đột không có kết thúc' (Вьетнам – Китай: конфликт, которому нет конца).
Tác giả lý giải vì sao Nga không lên tiếng ủng hộ Việt Nam, khẳng định lẽ phải thuộc về Việt Nam và Nga sẽ như thế nào khi không còn quan tâm đến các nước vốn 'được bảo trợ' khi muốn khôi phục vị thế toàn cầu của mình.
Bà Svetlana Lurie khẳng định, theo Luật biển, thì vùng biển nơi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 thuộc về Việt Nam,vì nó nằm ở trên thềm lục địa Việt Nam. Hành động của Trung Quốc là ỷ thế vào sức mạnh. Hơn thế nữa, họ còn muốn chiếm vùng lãnh hải rộng 80% mặt nước biển Đông (trong đó có cả quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Trung Quốc tận 1000 km).
Mới nhất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét