Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và Biển Hoa Đông: Giới hạn đỏ

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và Biển Hoa Đông: Giới hạn đỏ


(PetroTimes) - Dư luận quan tâm tới Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 sẽ diễn ra tại Singapore từ 30-5 đến 1-6. Bởi đây là nơi để Bộ trưởng Quốc phòng, quan chức quốc phòng và quân sự cấp cao của các nước tại Châu Á - Thái Bình Dương và một số cường quốc thảo luận những vấn để thời sự quan trọng nhất liên quan tới an ninh khu vực



Năng lượng Mới số 326


Dự kiến, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có bài phát biểu vào tối 30-5 và ông là nguyên thủ nước ngoài thứ 6 có bài phát biểu trước lễ khai mạc với tư cách là diễn giả chính. Bởi theo lời mời của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông Shinzo Abe sẽ có bài phát biểu trong phiên khai mạc và đây là cơ hội tốt để Nhật Bản thể hiện quan điểm chiến lược về an ninh, đối ngoại trước các nước. Giới truyền thông Đài Loan cho rằng, ông Shinzo Abe sẽ đưa vấn đề Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông và đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 (HD-981) trái phép trong vùng biển Việt Nam ra Đối thoại Shangri-La. Theo giới truyền thông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera sẽ hội đàm bên lề Đối thoại Shangri-La.



Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe


Không thiện chí


Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal hôm 26-5, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, hành động đơn phương của Trung Quốc trong việc đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam đã làm leo thang căng thẳng Trung - Việt. Nhật Bản không chấp nhận sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng. Dư luận cho rằng, trước những khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Tokyo không còn lựa chọn nào khác ngoài việc theo đuổi chính sách ngoại giao cứng rắn để đáp trả.



Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera


Ngày 27-5, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế ở Biển Đông, sau vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ông Yoshihide Suga coi đây là hành động cực kỳ nguy hiểm có thể đe dọa mạng sống con người và cần giải quyết các vấn đề một cách bình tĩnh trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng, vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là vấn đề nghiêm trọng và sự thật xung quanh vấn đề này cần được công khai theo luật pháp quốc tế. Theo ông Itsunori Onodera, cần một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Hoa Đông để đảm bảo an toàn cho các hoạt động của máy bay trên vùng không phận này.


Dư luận đang quan tâm tới chuyến thăm chính thức Trung Quốc 6 ngày (từ 27-5) của Thủ tướng Malaysia Najib Razak khi tờ South China Morning Post cho rằng, Bắc Kinh có thể tận dụng cơ hội này để thuyết phục Kuala Lumpur không đứng về phía Philippines và Việt Nam. Ngoài ra, do Malaysia sẽ trở thành Chủ tịch ASEAN vào năm tới nên Trung Quốc càng muốn lôi kéo vì lo ngại ASEAN sẽ đoàn kết để chống lại Bắc Kinh, ngả theo Mỹ. Theo tờ New Straits Times, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã phá vỡ thông lệ ngoại giao để bày tỏ sự trọng thị đối với Thủ tướng Najib Razak khi mời vợ chồng Thủ tướng Malaysia ăn tối. Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia Hoàng Huệ Khang cho rằng, Trung Quốc và Malaysia là “những người bạn thực sự, thân thiết như anh em một nhà”.


Nhiều người thẳng thắn tuyên bố, học thuyết trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc đã chết sau khi Bắc Kinh liên tiếp có những hành động gây hấn tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Giới bình luận cho rằng, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là “tính toán sai lầm” và Bắc Kinh đang phải đối mặt với tình trạng bị cô lập trong khu vực bởi các quốc gia hữu quan đã tìm cách chống lại khi sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành mối đe dọa hơn là sự bình yên. Tờ Liên hợp buổi sáng (Singapore) cho rằng, tranh chấp tại Biển Đông và Đông Bắc Á khiến rủi ro địa - chính trị ở khu vực này tăng lên. Và để chống lại Trung Quốc, Nhật Bản đã ủng hộ Việt Nam và Philippines trong vấn đề Biển Đông.


Theo chuyên gia Jeff M.Smith, Giám đốc chương trình Nam Á, thành viên Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ ở Washington, đã đến lúc Washington phải đặt ra giới hạn đỏ đối với Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền hàng hải tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Bởi việc này liên quan tới những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Chuyên gia Jeff M. Smith cho rằng, Mỹ không chấp nhận cách hiểu về UNCLOS của Trung Quốc nên Washington phải vạch ra giới hạn đỏ về những hành vi, thái độ không thể chấp nhận trong lĩnh vực hàng hải của Bắc Kinh.


Ngày 27-5, tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết, Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy các bên liên quan giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua đàm phán trực tiếp và đừng ai nghi ngờ quyết tâm, ý chí gìn giữ hòa bình và ổn định ở khu vực này của Trung Quốc. Ông Lưu Chấn Dân cũng tuyên bố, Biển Đông là huyết mạch hàng hải của Trung Quốc, tầm quan trọng của Biển Đông đối với Trung Quốc vượt xa đối với các nước khác.


Được đằng chân, lân đằng đầu


Ngày 27-5, tờ Inquirer đưa tin, phát biểu bên lề lễ kỷ niệm 116 năm thành lập Hải quân Philippines ở tỉnh Palawan, Tổng thống Benigno Aquino cho biết, Manila đang theo dõi sát việc Trung Quốc có các hành động gây hấn với Việt Nam để rút ra bài học, chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ hành động tương tự mà Bắc Kinh có thể gây ra cho Philippines trong tương lai. Tổng thống Benigno Aquino cảnh báo, Trung Quốc có thể sử dụng chiến thuật đưa giàn khoan vào vùng biển tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông - thông thường những gì xảy ra với Việt Nam sẽ xảy ra với Philippines. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ The Financial Times, ông Benigno Aquino cho rằng, Trung Quốc đang chơi trò nguy hiểm - đu đưa trên miệng hố chiến tranh và ngoại giao chiến hạm. Theo ông Benigno Aquino, 10 nước thành viên ASEAN nên có tiếng nói chung mạnh mẽ và rõ ràng hơn về việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế.


Trong khi đó dư luận đã chỉ trích, lên án trước tuyên bố xuyên tạc, ngông cuồng khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương trắng trợn bịa đặt, đánh lừa dư luận rằng: Hoạt động khoan thăm dò của giàn khoan HD-981 được tiến hành ở vùng biển gần của Trung Quốc không có tranh chấp, hợp lý, hợp pháp và hoàn toàn bình thường!? Ông Tần Cương còn dùng từ ngữ chợ búa, giảo biện, nói sai sự thật về hành vi đâm chìm tàu cá Việt Nam. Điều đáng nói là tàu Trung Quốc có hành động cản trở, ngăn chặn tàu Kiểm ngư, Cảnh sát Biển Việt Nam trong quá trình thực hiện cứu hộ tàu cá bị chìm. Việc này diễn ra trước khi Trung Quốc rời giàn khoan HD-981 tới vị trí có tọa độ 15033’38’’ N - 111034’62’’ E, cách đảo Tri Tôn về hướng Đông Đông Nam 25 hải lý, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý.


Theo cảnh báo của chuyên gia Michael Auslin thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, nếu đạt được ý đồ trong vụ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc sẽ coi đây là hình mẫu để tiến chiếm các vùng tranh chấp khác. Luật sư Ryan Santicola thuộc bộ phận pháp chế của hải quân Mỹ khẳng định, Bắc Kinh từng vi phạm cam kết song phương, đa phương và thường xuyên hành động đơn phương ở Biển Đông. Cụ thể như Trung Quốc không tuân thủ kết quả đàm phán với Philippines là hai bên cùng rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham hồi tháng 4-2012. Chuyên gia Ryan Santicola còn cho rằng, Trung Quốc đang áp dụng chính sách bất nhất và mâu thuẫn ở Biển Đông.


Giáo sư Francois Huchet, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông của Pháp cho rằng, nếu không phản ứng Trung Quốc sẽ được thể lấn tới. Còn học giả Ezequiel Ramoneda, điều phối viên ở Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học quốc gia La Plata của Argentina đã phê phán Bắc Kinh vi phạm Luật Biển khi đề cập tới việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.



Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Sanmuel Locklear


Theo nhận định của chuyên gia Singapore David Koh, ASEAN nên khiếu nại Trung Quốc lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tờ Wall Street Journal khi dẫn nhận xét của một số chuyên gia cũng cho rằng, căng thẳng tại Biển Đông đang ảnh hưởng tới uy tín của ASEAN, vì hiệp hội này thiếu sự đồng thuận mạnh mẽ về cách giải quyết vấn đề với Trung Quốc. Ông Murray Hiebert, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho rằng, ASEAN khó mạnh tay với Trung Quốc vì đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á, Bắc Kinh hiện là nhà tài trợ lớn nhất, nhà đầu tư lớn nhất và cũng là đối tác thương mại quan trọng nhất.


“Nói phải, củ cải cũng nghe”


Tại buổi họp báo chiều 28-5, Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết, Washington phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông; đồng thời nhấn mạnh, hành động đơn phương nguy hiểm của Trung Quốc không thể chấp nhận được. Trước đó (chiều 27-5), ông Benjamin Cardin cũng khẳng định, Thượng viện Mỹ cực lực phản đối hành vi khiêu khích của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; bày tỏ mong muốn các bên tích cực giải quyết vụ việc trên cơ sở luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Cũng trong chiều 27-5, đã có 102.000 người ký vào bản kiến nghị Mỹ trừng phạt kinh tế Trung Quốc vì hành động hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép, phá hủy môi trường sinh thái tại vùng lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông, theo kiến nghị của nickname T.D đến từ San Diego, California, Mỹ.



Thượng nghị sĩ Ben Cardin


Ngày 28-5, tờ Yomiuri Shimbun dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, ngày 29-5, tàu vận tải Kunisaki chở 140 quân nhân Mỹ và Australia tham gia diễn tập ở Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Tokyo tham gia đều các cuộc tập trận chung “Đối tác Thái Bình Dương” từ năm 2007, theo đề xuất của hải quân Mỹ. Nhưng cuộc diễn tập này được coi là biểu thị tinh thần đoàn kết của Nhật - Mỹ - Australia đối với Đông Nam Á đang phải đối diện với thái độ hung hăng, khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông.


Ngày 27-5, nhiều tờ báo lớn của Đức như Zeit, DWN, Spiegel, DW… đã đăng tin, ảnh tố cáo tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam trên Biển Đông, đồng thời chỉ trích hành động sai trái, ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông. Hãng Bloomberg coi đây là sự kiện đối đầu nghiêm trọng nhất của hai nước kể từ năm 2007. Tờ New York Times nhận xét, vụ đâm tàu sẽ khiến căng thẳng Trung - Việt gia tăng. Theo nhận định của Hãng BBC, AFP và Reuters, sự kiện này sẽ khiến tình hình trên Biển Đông tiếp tục căng thẳng.


Cũng trong ngày 27-5, trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Washington đã nắm được thông tin về vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam và việc Bắc Kinh điều tàu tên lửa tấn công và tàu phá mìn đến khu vực này - Mỹ quan ngại về hành vi hiếu chiến và nguy hiểm của tàu Trung Quốc hoạt động tại Biển Đông. Bà Jen Psaki cũng nhấn mạnh: Mỹ cho rằng chỉ có Trung Quốc đang thực hiện các hành vi khiêu khích đối với Việt Nam.









Ngày 27-5, khi phát biểu với báo giới tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã bày tỏ mong muốn xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trên không trong khuôn khổ đa phương giữa lực lượng không quân các nước. Việc này diễn ra sau khi 2 máy bay chiến đấu Su-27 của Trung Quốc áp sát máy bay Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Theo ông Itsunori Onodera, cần sớm áp dụng “cơ chế liên lạc trên biển” giữa Tokyo và Bắc Kinh nhằm tránh những va chạm ngẫu nhiên giữa tàu thuyền và máy bay của Nhật Bản và Trung Quốc. Trước đó (26-5), Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố, Tokyo sẽ tiếp tục hoạt động tuần tra trinh sát quanh vùng biển Senkaku/Điếu Ngư sau hành động nguy hiểm của chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát máy bay quân sự Nhật Bản trên vùng biển Hoa Đông nhằm thu thập thông tin tình báo. Cũng trong ngày 26-5, Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera tiếp tục các hoạt động cảnh báo và giám sát sau khi máy bay Trung Quốc bay gần bất thường máy bay Nhật Bản trên vùng biển Hoa Đông. Trước đó (25-5), ông Itsunori Onodera cho biết, 2 máy bay chiến đấu Su-27 của Trung Quốc mang theo tên lửa không đối không khi thực hiện cú tiếp cận bất thường đối với máy bay Nhật Bản. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa để trao công hàm phản đối.



Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ cho thuê taxi tải

Dịch vụ cho thuê taxi tải vận chuyển hàng hóa