Dường như Trung Quốc đã “ngửi” thấy việc hành động hung hăng của mình đã bị các phóng viên quốc tế phát hiện nên từ ngày 24/5 chúng đã rút các tàu tên lửa hộ vệ về nấp kỹ ở đảo Tri Tôn.
* Thông tin từ Cục Kiểm ngư (Tổng Cục thuỷ sản - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), trong ngày 24/5, lực lượng tàu Trung Quốc tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam có 127 tàu (tăng 5 tàu), bao gồm 44 tàu hải cảnh, 18 tàu vận tải, 14 tàu kéo, 50 tàu cá và 1 tàu chiến. Trong khi đó, lực lượng của Việt Nam không có sự thay đổi.
Ngoài ra, Trung Quốc có 4 máy bay, bay ở tầm cao 300-500 m, nhiều vòng trên khu vực lực lượng tàu Việt Nam đang hoạt động bảo vệ chủ quyền.
* 6h30 ngày 25/5 trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, 6 tàu của Trung Quốc tăng tốc rượt đuổi tàu tàu Kiểm ngư 22, tàu Kiểm ngư 768 của Việt Nam cách khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép 8 hải lí.
Các tàu Kiểm ngư 768, tàu Kiểm ngư 7, tàu Kiểm ngư 22 liên tục tăng tốc vòng tránh để không đẩy tình trạng căng thẳng lên cao, nhưng các tàu hải cảnh, hải tuần, ngư chính của Trung Quốc vẫn hung hăng bám đuổi áp sát chặn đầu. Thậm chí, các tàu hải cảnh, hải tuần với các số hiệu 37101, 37102, 32101, 44001, 32102 của Trung Quốc còn đồng loạt mở bạt pháo uy hiếp các tàu chấp pháp của Việt Nam.
Tới 7h, tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 của Trung Quốc hú còi rượt đuổi đâm húc tàu Kiểm ngư 22 của Việt Nam. Ở cự li gần, tàu Hữu Liên 9 mở vòi rồng áp lực cao phun vào cabin, hệ thống truyền thanh của tàu Kiểm ngư 22.
Sau hơn 30 phút bị quần thảo, tàu Kiểm ngư 22 của ta bị tàu Hữu Liên 9 của Trung Quốc làm hư hại hệ thống cabin, chập điện. Nghiêm trọng hơn, 4 kiểm ngư viên trên tàu 22 bị thương, trong đó có cả Hải đội trưởng và thuyền trưởng tàu Kiểm ngư 22.
13h15, tại khu vực cách giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển của Việt Nam 12 hải lí về hướng Tây Nam tàu Kiểm ngư HP 926 của Việt Nam đã phát hiện từng tốp 30 tàu cá vỏ sắt Trung Quốc án ngữ tại đây. Số tàu cá vỏ sắt mà Trung Quốc có mặt tại khu vực này theo quan sát của phóng viên khoảng gần 100 chiếc.
Được biết, các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc hai máy công suất tối thiểu là 600CP một chiếc, các tàu cá này mặc dù không thực hiện khai thác mà chỉ tạo thành đội hình ngăn cản các tàu cá của Việt Nam đánh bắt, khai thác thủy sản trên vùng biển chủ quyền Việt Nam. Khi có cơ hội, các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc sẵn sàng đâm húc phá hoại các tàu cá Việt Nam.
* Ngày 24/5, tàu ngư chính số hiệu 31001 và hải cảnh 37101 của Trung Quốc gia tăng tốc độ dùng vòi rồng uy hiếp tàu Kiểm ngư 770 của Việt Nam. Khi phát hiện các tàu Việt Nam gặp hư hại, các tàu của Trung Quốc tổ chức thành các tốp liên tục dồn ép với tốc độ cao với chủ đích triệt hạ tàu chấp pháp của Việt Nam.
Vào ban đêm các tàu Trung Quốc tổ chức thành nhóm gồm 3-4 tàu liên tục dùng đèn pha công suất lớn, pha mặt biển hú còi ép đuổi một tàu chấp pháp của Việt Nam.
Không chỉ tấn công các tàu Việt Nam, tàu Trung Quốc còn ra sức kích động, cố tình gây hấn để bẫy lực lượng của Việt Nam tấn công.
Đáng chú ý, tàu hộ vệ tên lửa đã được Trung Quốc đưa ra cách xa giàn khoan Hải Dương 981, neo ở phía Đông Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và được ẩn giấu kỹ hơn trước. Đây là một hành động đánh dấu thêm một bước đi mới, một chiêu trò mới của Trung Quốc mà trước hết có thể nhằm che giấu sự hung hăng trước quốc tế.
* Chiều 24/5, đông đảo học sinh, sinh viên, bà con Việt kiều và nhiều người Thụy Sĩ đã tuần hành dọc các tuyến đường chính ở thành phố Zurich đến tập trung trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Thụy Sĩ để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Những người tham gia tuần hành đã giương cao các khẩu hiệu yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, lên án hành động hạ đặt giàn khoan nước sâu của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển ký năm 1982 với 155 nước tham gia, trong đó có Trung Quốc.
Phát biểu với các phóng viên, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam, bà Anjuska Weil khẳng định hành động cũng như tuyên bố chủ quyền biển đảo của Chính phủ Trung Quốc đi ngược với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
* Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ), cho rằng Trung Quốc sẽ mất rất nhiều nếu từ chối tham gia vụ kiện: “Bằng cách khởi kiện, Philippines đã cho thế giới thấy họ muốn giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình và con đường pháp lý. Bắc Kinh luôn ra rả nói về điều này, nhưng hành động của họ luôn chứng tỏ điều ngược lại. Nếu Việt Nam theo đuổi một vụ kiện tương tự - bằng cách tự mình khởi kiện hay đồng khởi kiện với Philippines - và Trung Quốc lại tiếp tục từ chối tham gia, họ sẽ càng bị cô lập hơn trên trường quốc tế. Dư luận sẽ tiếp tục nhìn Trung Quốc như một quốc gia bắt nạt và thiếu trách nhiệm trong cam kết dùng các phương thức hòa bình để giải quyết bất đồng. Điều đó sẽ gây phương hại cho hình ảnh của Bắc Kinh; và dù gì thì họ cũng rất lo ngại hình ảnh của mình bị tổn hại”.
* Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) cho rằng nếu Việt Nam đồng khởi kiện với Philippines, điều đầu tiên hai nước này sẽ đạt được chính là sự hậu thuẫn về mặt tinh thần của cộng đồng quốc tế, “và điều đó có thể sẽ tác động đến các thẩm phán trực tiếp tham gia phiên xử, để họ đưa ra phán quyết cuối cùng có lợi cho Việt Nam và Philippines. Nhưng cũng nên nhớ là, Trung Quốc luôn nhìn nhận những phiên xử như thế này như một sự “can thiệp” của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ trong khu vực”. Tiến sĩ Valencia thông tin thêm, trước đây Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) vào năm 1984 cũng từng xử vắng mặt chính quyền Mỹ vụ Washington hậu thuẫn phiến quân chống lại chính phủ Nicaragua và khai thác mỏ ở nước này. ICJ phán quyết rằng Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế mặc dù Washington không tham dự phiên tòa.
Mới nhất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét