(PetroTimes) - Hãy tưởng tượng vào lúc sáng sớm, 1.000 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của Trung Quốc ầm ầm bắn phá các mục tiêu dân sự và quân sự của Đài Loan.
Trong khi Không quân Mỹ đóng tại Okinawa chuẩn bị để nhanh chóng trợ giúp đồng minh, các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc tàn phá các hệ thống phòng không và ngắm bắn của Mỹ. Một đợt tấn công thứ hai của tên lửa đạn đạo nổ tung trong vũ trụ, phá tan các vệ tinh quân sự trọng yếu, trong khi cơn mưa tên lửa thứ ba trút xuống căn cứ, phá hủy các máy bay và làm cho đường băng không còn sử dụng được nữa.
Trong khi đó, một cụm tàu sân bay tiến công Mỹ do tàu sân bay USS George Washington dẫn đầu bắt đầu rời Nhật Bản lên đường tới eo biển Đài Loan. Không có các phương tiện cảnh báo tiên tiến và dữ liệu bổ sung từ các vệ tinh, các hệ thống phòng thủ tên lửa của cụm tàu sân bay Mỹ ở vào thế bất lợi so với các tên lửa “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc đang lao đến. Các hệ thống phòng thủ của Mỹ làm hết sức, nhưng một số ít tên lửa Trung Quốc vẫn bắn trúng được mục tiêu, làm cho boong bay của tàu sân bay USS George Washington không còn sử dụng được nữa. Sức mạnh không quân và hải quân hùng mạnh của nước Mỹ đã bị loại khỏi cuộc chơi.
Tuy còn lâu mới là một bức tranh hoàn chỉnh, kịch bản giả định này là ác mộng tồi tệ nhất của quân đội Mỹ. Tất nhiên, bây giờ, bất kể những màn diễu võ giương oai trên quần đảo Senkaku và thỉnh thoảng dậm dọa đối với Đài Loan, chiến tranh sẽ gần như chắc chắn không nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng chính tiềm năng trở thành hiện thực của kịch bản này giúp kiềm chế không để xảy ra chiến tranh.
Điều rõ ràng là quân đội Mỹ vẫn là lực lượng chiến đấu đáng sợ nhất thế giới, không thể đánh bại khi giao tranh một đối một. Tuy nhiên, Mỹ sẽ thấy một cuộc chiến tranh kéo dài có thể kết thúc bằng trận đại chiến hạt nhân là quá tốn kém. Trung Quốc hiểu rất rõ điều đó. Vì vậy, thay vì tự định hướng mình vào một cuộc chiến tranh tổng lực mà họ không thể giành chiến thắng, chiến lược quân sự của Trung Quốc nhằm vào một mục đích nhỏ hơn, nhưng thực tế hơn là đẩy Mỹ ra khỏi sân sau của Trung Quốc.
Khôi phục niềm tự hào Trung Hoa
Những hành động khiêu khích đối với Đài Loan và quần đảo Senkaku về thực chất không liên quan đến vấn đề đất đai, mà là vấn đề niềm tự hào dân tộc. Vẫn tức giận bốc khói với sự lúng túng của họ trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, khi Tổng thống Bill Clinton đã thực hiện một màn trình diễn sức mạnh áp đảo của Mỹ bằng việc triển khai hai cụm tàu tàu sân bay tiến công đến khu vực này, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách thể hiện tầm vóc phát triển của mình bằng cách kiểm soát Thái Bình Dương, một khu vực bị Hải quân Mỹ thống trị lâu nay.
Các hành động của Trung Quốc, đặc biệt là những hành động gần đây, là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến Mỹ rằng, Trung Quốc muốn giành lấy địa vị cường quốc khu vực của Mỹ, Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia nói với hãng Bloomberg. “Họ đang nói với Mỹ rằng, chúng tôi đang rất nghiêm túc về việc mà chúng tôi đang chuẩn bị để chấp nhận rủi ro của việc hành động khiêu khích để thuyết phục các vị nghiêm túc hiểu rằng, chúng tôi muốn thay đổi trật tự”.
Để yểm trợ cho các hành động của mình, các chiến lược gia Trung Quốc đã phát triển một kho vũ khí phi đối xứng thông thường lớn được thiết kế riêng để đẩy lùi sức mạnh của Mỹ, có thể tạo ra sự răn đe mạnh mẽ buộc quân đội Mỹ phải đi lại nhẹ nhàng trong một khu vực mà có thời nó từng thống trị, làm mưa làm gió.
Chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD)
Nhằm ngăn chặn lực lượng Mỹ sử dụng ưu thế công nghệ của họ để tấn công vào trung tâm Trung Quốc, quân đội Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD). Về nội dung cơ bản, A2/AD là một chiến lược phòng thủ nhiều tầng kết hợp các cuộc tấn công trên bộ, trên biển, trên không, không gian mạng và vũ trụ để đối phó với các lợi thế quân sự của Mỹ.
Thay vì đặt ra mục đích đánh bại thẳng thừng đối thủ, chiến lược của Trung Quốc sử dụng các làn sóng tấn công lặp đi lặp lại bằng cách sử dụng các cuộc tấn công không gian mạng, vũ khí chống vệ tinh, tên lửa đạn đạo, tàu ngầm tàng hình và các vũ khí khác để làm chậm các lực lượng Mỹ khi kéo đến gần hơn bờ biển Trung Quốc.
Trong kịch bản thành công, mỗi làn sóng các cuộc tấn công liên tiếp sẽ làm suy yếu ưu thế của lực lượng đối địch mạnh hơn, như vậy khi họ đạt được mục tiêu của mình, họ cũng phải chịu quá nhiều thương vong hoặc quá nhiều phí tổn để phát động một cuộc tấn công lớn.
Một yếu tố then chốt của sức mạnh quân sự Trung Quốc là kho dự trữ ngày càng tăng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có đủ tầm để với tới phần lớn châu Á. Đáng ngại nhất là tên lửa “sát thủ tàu sân bay” DF-21D có tầm bắn ước 2.700 km và được thiết kế đặc biệt để tấn công phương tiện tung sức mạnh lớn nhất của quân đôi Mỹ là tàu sân bay.
Ngoài ra, Trung Quốc còn sở hữu một số lượng ngày càng tăng của máy bay chiến đấu, và đặc biệt là họ đang phát triển các tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J -20 và J -31. Đồng thời, Trung Quốc đã mua ít nhất 12 tàu ngầm điện-diesel tàng hình lớp Kilo từ Nga, trong khi quân đội Hoa Kỳ đã chuyển trọng tâm khỏi các kỹ năng chiến tranh lạnh như săn ngầm.
Hóa giải chiến lược A2/AD
Trong cuộc chiến lý thuyết chống Trung Quốc, cuộc chạy đua vũ trang đã đang diễn ra. Trong khi Trung Quốc phát triển vũ khí phi đối xứng để giảm thiểu lợi thế của Mỹ, Lầu Năm góc cũng đang tìm kiếm các công nghệ để vượt qua những công nghệ đối chọi họ này.
“Một phần của những gì làm cho xác suất của chiến tranh là quá thấp là Mỹ và Đài Loan đã thực hiện những bước để chắc chắn là nó sẽ đau đớn đối với Trung Quốc”, David Shlapak, một nhà phân tích chính sách quốc tế cao cấp của Tổng công ty Rand, nói với tạp chí Popular Mechanics vào năm 2010.
Trong thực tế, nhiều hệ thống vũ khí đang được phát triển sẽ không bao giờ thực sự tham chiến, nhưng cuộc chạy đua vũ trang giả thuyết là rất quan trọng khi các nhà nghiên cứu thuộc cả hai bên tìm cách làm lệch cán cân về hướng có lợi cho họ và thay đổi tính toán của các chiến lược gia quân sự.
Theo Đô đốc Patrick Walsh, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ cho đến năm ngoái, thì không có lý do để phải sợ sự tăng cường quân sự của Trung Quốc khi mà các khả năng của Mỹ vẫn bắt kịp.
“Khi chúng ta nhìn vào các loại phát triển này, chẳng hạn như ASBM (tên lửa đạn đạo chống hạm), chúng là những phát triển công nghệ mà chúng ta tôn trọng, nhưng không nhất thiết phải lo sợ”, Đô đốc Walsh nói với Popular Mechanics. “Yếu tố then chốt trong bất kỳ chiến lược răn đe nào là làm cho nó rõ ràng với những người sẽ sử dụng một sản phẩm công nghệ nào đó, rằng chúng ta có những phương tiện để đối phó với nó và để duy trì ưu thế công nghệ”.
Ngay cả với những lợi thế công nghệ của quân đội Mỹ, sự tăng trưởng quân sự bùng nổ của Trung Quốc cũng đã đảm bảo rằng, ngay cả một cuộc xung đột nhỏ với Mỹ sẽ gây tổn thất nhiều hơn bất cứ điều gì mà các quốc gia đã chứng kiến trong nhiều thập kỷ - đó chính là lý do tại sao nó sẽ không xảy ra.
Theo Vietnamdefence
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét