Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

Thái Lan đang dần 'ngả vào tay Trung Quốc'?

Thái Lan đang dần 'ngả vào tay Trung Quốc'?

Thái Lan đang dần 'ngả vào tay Trung Quốc'?


> Tướng đảo chính tự phong thủ tướng lâm thời

> TRỰC TIẾP: Đảo chính quân sự rúng động Thái Lan


TG - Không lâu sau khi quân đội Thái Lan tuyên bố kiểm soát chính quyền, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên án đây là hành động “không thể biện minh được”. Với việc Washington đồng thời dừng các chương trình viện trợ quân sự cho đồng minh này, các nhà phân tích cảnh báo Washington đối diện nguy cơ quân đội Thái Lan xích lại gần Trung Quốc.











Binh lính Thái Lan chặn cuộc tuần hành chống đảo chính hôm 24/5 tại Bangkok. Ngày 25/5, hàng nghìn người lại biểu tình ở thủ đô Thái Lan, Ảnh: AOL
Binh lính Thái Lan chặn cuộc tuần hành chống đảo chính hôm 24/5 tại Bangkok. Ngày 25/5, hàng nghìn người lại biểu tình ở thủ đô Thái Lan, Ảnh: AOL.

Mỹ nhanh chóng quyết định ngừng khoản viện trợ quân sự 3,5 triệu USD, tương đương 1/3 tổng số viện trợ của Washington cho Bangkok. Washington cũng hoãn các cuộc tập trận với đồng minh châu Á lâu đời nhất này, hủy chuyến thăm của các quan chức cấp cao đã được lên kế hoạch trước. Chương trình huấn luyện vũ khí được chính phủ Mỹ tài trợ cho cảnh sát hoàng gia Thái Lan (dự kiến bắt đầu hôm nay) cũng dừng lại. Theo báo chí phương Tây, Mỹ nhiều lần cảnh báo quân đội Thái Lan đứng ngoài cuộc, nhưng một số chuyên gia cho rằng, quân đội nước này đang rất chú trọng các diễn biến chính trị, nên khó có khả năng thay đổi theo ý kiến quốc tế.


Thái Lan có quan hệ tốt với Trung Quốc hơn nhiều nước láng giềng. Trung Quốc vẫn chưa chỉ trích hành động chiếm quyền của quân đội Thái Lan. Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận cuộc đảo chính ở Thái Lan năm 2006, dẫn tới quan hệ hợp tác quân sự gần gũi hơn giữa hai nước. Năm ngoái, giới chức Mỹ tránh gọi việc quân đội Ai Cập chiếm chính quyền là một cuộc đảo chính, nhằm tránh phải dừng viện trợ quân sự. Giới chức Mỹ từ chối so sánh quyết định của họ đối với Ai Cập và Thái Lan, chỉ nói rằng Washington coi hai trường hợp này không liên quan đến nhau.


Tư lệnh lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, tuyên bố đảo chính công khai, nên “không để chừa ra khoảng trống nào để gọi khác đi, nhưng có vẻ tuyên bố của ông Kerry tương đối khắc nghiệt”, thành viên cao cấp của Hội đồng Đối ngoại (một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ) nhận xét.


Cấu trúc an ninh mới ở châu Á - Thái Bình Dương


Báo Philstar của Philippines vừa dẫn lời một số quan chức chính phủ nước này nói rằng, Mỹ đang lên kế hoạch thành lập một “cấu trúc an ninh” mới ở châu Á - Thái Bình Dương với các đồng minh chiến lược và đồng minh theo hiệp định như Philippines, trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động ngày càng hung hăng trong các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có vấn đề biển Đông.


Theo các quan chức Philippines, việc xây dựng các căn cứ mới đối với Mỹ là quá tốn kém nên không triển khai được. Thay vào đó, Mỹ sẽ tạo ra hệ thống “nan hoa” trong cấu trúc an ninh mới. Đây là một phần của chính sách xoay trục hay tái cân bằng lực lượng của Mỹ ở khu vực. Bài báo của Philstar nói rằng, bên cạnh Philippines, những “nan hoa” khác bao gồm Úc, Nhật Bản, khả năng sẽ có cả Singapore và Thái Lan. Washington cũng đang muốn lôi kéo Malaysia thành đối tác chiến lược. Báo chí Philippines đưa tin, Đô đốc William Locklear II, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, xác nhận bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á vừa diễn ra ở Philippines rằng, Việt Nam nằm trong danh sách một số nước mà Washington muốn tăng cường quan hệ.


Theo một thỏa thuận ký năm 1992, Singapore cho phép lực lượng Hải quân và Không quân Mỹ sử dụng căn cứ quân sự Sembawang. Lực lượng Mỹ cũng thường có các đợt tập trận chung với quân Thái Lan, cho dù Mỹ vừa quyết định dừng viện trợ quân sự cho đồng minh lâu đời nhất ở châu Á này, sau cuộc đảo chính quân sự ở Bangkok.


Nhân dịp Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á, Đô đốc Locklear vạch ra kiểu cấu trúc an ninh mới tại một cuộc họp kín với quan chức Philippines và các chuyên gia an ninh ASEAN sau Diễn đàn, Philstar đưa tin. Ông Locklear nhấn mạnh rằng, Mỹ đã duy trì hiện diện an ninh rất mạnh ở châu Á - Thái Bình Dương suốt 70 năm qua và “quân đội Mỹ hoan nghênh Trung Quốc như một đối tác”. “Quan điểm của Mỹ là không bao vây Trung Quốc”, ông Locklear nói, và cho biết lợi ích của Mỹ và Trung Quốc “hội tụ” trong khoảng 80% các vấn đề. Tuy nhiên, còn những vấn đề ngoài 80% đó “đang xảy ra ở đây”.


Trong chuyến thăm châu Á tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết rằng, Washington sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp lãnh thổ của nước này bị tấn công, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Nhưng ông Obama chưa đưa ra cam đoan nào như vậy đối với những bãi cát ngầm và rạn san hô trên biển Đông và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines mà Trung Quốc cũng tuyên bố là của họ. Manila và Washington vẫn đang hợp tác tốt theo Thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự, được ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Obama tháng trước. Thỏa thuận này tạo cơ sở cho quân đội Mỹ tăng cường hiện diện luân phiên ở Philippines.









Kiều bào tiếp tục phản đối Trung Quốc


Chiều 24/5, đông đảo học sinh, sinh viên, bà con Việt kiều và nhiều người Thụy Sĩ tiếp tục tuần hành dọc các tuyến đường chính ở thành phố Zurich, rồi đến tập trung trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Thụy Sĩ để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trước đó, tại Auckland, thành phố lớn nhất của New Zealand, sinh viên Việt Nam đang học tập tại đây đã tổ chức biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc. Trong khi đó, tại thủ đô Bucharest, Hội người Việt Nam tại Romania tổ chức mít-tinh và ra tuyên bố phản đối Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.



Trúc Quỳnh


Các tin khác







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ cho thuê taxi tải

Dịch vụ cho thuê taxi tải vận chuyển hàng hóa