Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Vùng nhận dạng phòng không TQ: Trung Quốc đánh giá thấp hậu quả

Vùng nhận dạng phòng không TQ: Trung Quốc đánh giá thấp hậu quả

Ngày 29-11 (giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo khuyến cáo các hãng hàng không dân dụng Mỹ nên tôn trọng yêu cầu của các nước thứ ba. Thông cáo này hàm nghĩa các hãng hàng không Mỹ nên thông báo kế hoạch bay cho phía Trung Quốc (TQ) khi bay trên biển Hoa Đông.


Quyền tự do bay


Tuy nhiên, như Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ xác định khuyến cáo này không có nghĩa là Mỹ chấp nhận đòi hỏi nhận dạng của TQ trong vùng nhận dạng phòng không TQ mới lập. Bộ Ngoại giao Mỹ minh định rằng quyền tự do bay và các thông lệ khác phù hợp với luật pháp quốc tế về không phận và hải phận là các vấn đề chủ yếu của thịnh vượng, ổn định và an ninh của Thái Bình Dương.


Cùng ngày, Đại tá Steve Warren, người phát ngôn Lầu Năm góc, thông báo: “Chúng tôi có các chuyến bay qua không phận quốc tế trên Thái Bình Dương, trong đó có vùng nhận dạng phòng không TQ… Các chuyến bay phù hợp với các chính sách của Mỹ đã ban hành lâu nay về quyền tự do đi lại được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới”.


Đại tá Steve Warren nhấn mạnh: “Tôi có thể khẳng định Mỹ đang hoạt động và sẽ tiếp tục hoạt động bình thường trong khu vực”.



Nhóm tác chiến tàu sân bay USS George Washington và các tàu chiến Nhật tham gia cuộc tập trận AnnualEx ngày 28-11. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ


Trong khi đó, Tân Hoa xã (TQ) đưa thông tin chi tiết hơn về sự kiện TQ điều máy bay tuần tra trong vùng nhận dạng phòng không hôm 28-11.


Người phát ngôn không quân TQ cho biết trong phi đội tuần tra có tối thiểu hai máy bay tiêm kích. Mục đích tuần tra là giám sát máy bay nước ngoài trong suốt thời gian bay trong vùng nhận dạng phòng không và nhanh chóng nhận dạng.


Người phát ngôn nói các máy bay TQ đã phát hiện hai máy bay trinh sát của Mỹ và 10 máy bay quân sự của Nhật, trong đó có máy bay tiêm kích F-15.


Hình thức đối đầu mới


Nhận định về vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông do TQ đơn phương thiết lập, bài xã luận với tựa đề Đối đầu đăng trên tạp chí The Economist (Anh) hôm 28-11 ghi nhận đây là cách tiếp cận mới đáng quan ngại. Lý do là vùng nhận dạng phòng không TQ đã chồng lấn vùng nhận dạng phòng không của Nhật và của Hàn Quốc.


Bài viết ghi nhận TQ càng lớn mạnh về kinh tế thì càng tỏ thái độ tự tin. Đây là thái độ hợp lý nếu thái độ đó phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, với động thái đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không, TQ đã không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và Mỹ đã thể hiện thái độ đúng đắn khi phản ứng với TQ.


Bài viết so sánh TQ như một thiếu niên đang lớn nhanh nhưng không biết sức mạnh của mình đến đâu, do đó TQ đã đánh giá thấp tác động gây ra từ hành động của mình. Với động thái thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, TQ muốn tạo ra cái cớ biện minh cho hành động chiến tranh với các nước láng giềng và Mỹ trong tương lai.


Bài viết ghi nhận TQ cần hành xử như một cường quốc có trách nhiệm chứ không phải là kẻ gây rối sẵn sàng hy sinh 60 năm hòa bình ở Đông Bắc Á chỉ để ghi điểm bằng cách chiếm giữ vài đảo đá lộng gió (Senkaku/Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông.


Nguy cơ bùng nổ chiến tranh


Báo Washington Post (Mỹ) ngày 26-11 đã đăng bài bình luận với tựa đề Trung Quốc phải hủy bỏ vùng nhận dạng phòng không trên quần đảo tranh chấp. Bài viết nhận định TQ đã vội vã đẩy cao nguy hiểm trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông theo cách thức rất đáng lo ngại và liều lĩnh.


Bài viết ghi nhận vùng nhận dạng phòng không của TQ chẳng qua là động thái khẳng định chủ quyền của TQ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. TQ muốn khẳng định giờ đây nắm quyền kiểm soát không lưu trong khu vực và có thể ngăn chặn máy bay không tuân theo quy định. Hành động này của TQ đã tạo ra nguy cơ dẫn đến biến cố hay sai sót có thể dẫn đến chiến tranh và có thể lôi kéo Mỹ nhảy vào bảo vệ Nhật.


Bài viết ghi nhận các nhà lãnh đạo TQ đã nhiều lần cam kết với thế giới rằng TQ sẽ trỗi dậy hòa bình. Tuy nhiên, động thái bất ngờ thiết lập vùng nhận dạng phòng không của TQ trên vùng biển rộng lớn không phải là sự trỗi dậy hòa bình và thái độ sẵn sàng đối thoại.


Bài viết khẳng định nếu vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông được chấp nhận, TQ có thể gia tăng sức ép ở các vùng biển khác. Nếu thực sự muốn thiết lập vùng nhận dạng phòng không nằm ngoài lãnh hải, TQ nên đàm phán với Nhật và các nước láng giềng để thành lập vùng nhận dạng phòng không chung.










Ngày 25-11, Nhật và Mỹ đã khai mạc cuộc tập trận hải quân hằng năm mang tên AnnualEx 2013 ở vùng biển Okinawa của Nhật. Hải quân Mỹ điều động tàu sân bay USS George Washington (chở 5.000 binh sĩ và 80 máy bay), tuần dương hạm USS Antietam, các tàu khu trục USS Curtis Wilbur, USS Lassen, USS McCampbell, USS Mustin cùng một máy bay tuần tra biển và một tàu ngầm tham gia. Cảnh sát biển Nhật đưa nhiều tàu chiến tham gia. Theo trang web của hải quân Mỹ, mục đích tập trận nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng bảo vệ Nhật, năng lực phối hợp phản ứng giữa Mỹ và Nhật nếu có khủng hoảng hoặc tình huống khẩn cấp ở Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương.




THẠCH ANH - HOÀNG DUY






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ cho thuê taxi tải

Dịch vụ cho thuê taxi tải vận chuyển hàng hóa