Ba hôm trước, Clip “hậu trường chụp ảnh nude của nhà sư ngồi thiền” được tung lên mạng, một lần nữa gây “choáng toàn tập” với những hình ảnh sống động về sự hở hang, nồng nỗng.
Không ngẫu nhiên, ngay cả những trang mạng “người lớn” cũng phải dán cho cái clip này một cái nhãn +18 kèm theo khuyến cáo “Khi xem clip này có nghĩa là bạn đã đủ 18 tuổi và tự chịu trách nhiệm”.
Ừ thì “Trong các thứ ái dục, không gì đáng ngại bằng sắc dục…”.
Ừ thì “thoát”.
Nhưng sắc dục không có nghĩa là trần truồng.
Nhưng không khó để nhìn thấy rằng tâm trí không ít người xem “ngọ ngậy” khi cái mà họ nhìn trong bức ảnh là hình ảnh cô gái, không một mảnh vải che thân, chứ không phải là nhà sư ngồi nhắm mắt.
“Thoát” đi đâu được khi cái tục, cái sắc át hết cả cái thiền.
Muốn mang đến một thông điệp, cứ coi như là tốt đẹp đi, bằng một hình ảnh gây sốc, nhưng điều mà những bức ảnh “Nude để thiền” mang lại, cũng không quá một chữ “sốc”.
Sốc, còn là chuyện biệt thự của nhà sư xây ngay sát bên chùa.
Sốc, còn là chuyện công khai trước các thí chủ, có nhà sư còn biểu diễn một nụ hôn xác thịt phàm tục.
Tới hôm qua, những “bến mê” người trần mắt thịt ở Chàng Sơn, Thạch Thất đã nổi giận thực sự khi bức tượng cổ trăm năm ở một ngôi chùa được bậc trụ trì cho đi “tắm sông” và “trôi mất”, để thay thế bằng một bức tượng “đời 2013” môi son đỏ choét.
Ừ thì nói là Phật hoàng. Nhưng sao Phật hoàng gì mà như thể tạc chính khuôn mặt của nhà sư trụ trì.
Người ta thường gọi những người đức cao vọng trọng là những bậc chân tu. Nhưng bên cạnh những bậc chân tu giữ gìn giới luật thấm nhuần giáo lý phổ độ chúng sinh cũng còn có “một nhà sư” thiền cao siêu đến độ chúng sinh mắt trần cứ ngỡ đó là tham, là si. Nhưng đã có chân tu, cũng có nghĩa là sẽ có giả tu, mà phổ thông là những ăn mày đầu trọc ngoài đường.
Tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố. Thất tình lục dục của thế gian xem ra không phải là thứ miễn nhiễm khi thế giới đầy những chuyện nhà sư tậu máy bay, sắm xe sang, xài đồ hiệu xa xỉ, thậm chí trần tục như một người đàn ông.
Trong những câu chuyện kinh điển của thiền học, bậc chân tu Makuin đã dạy học trò của mình thế nào là “tiếng vỗ của một bàn tay”.
Đó không phải là tiếng đàn của các geisha. Đó không phải là tiếng của giọt nước rơi. Không phải là tiếng cú kêu. Chỉ khi định tâm quán chiếu mọi tiếng động, bậc chân tu mới có thể trả lời được đâu là “Tiếng vỗ của một bàn tay”: Đó là sự tiếng động vô thanh khi người ta tĩnh tâm đến không còn nghe được tiếng động nào nữa.
Những người trần mắt thịt không nghe được “tiếng vỗ của một bàn tay”. Nhưng không phải vì thế mà các bậc tự coi mình là chân tu có thể trả lời tiếng vỗ của một bàn tay là tiếng đàn của những geisha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét