Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Đang giao lưu trực tuyến với nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng

Đang giao lưu trực tuyến với nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng


(PetroTimes) - Đúng 9h sáng ngày 1/11/2013, ba vị khách mời của chương trình giao lưu trực tuyến “Sự thật của nhà ngoại cảm” đã có mặt tại tòa soạn báo Năng lượng Mới - PetroTimes.



Nhà báo Nguyễn Như Phong - Tổng biên tập báo Năng lượng Mới tiếp đón và giới thiệu các vị khách: "Trước hết thay mặt bạn đọc của Báo Năng lượng Mới và trang tin nhanh điện tử PetroTimes, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Sự thật của các nhà ngoại cảm”.


Xin phép được giới thiệu tham dự buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay có nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng; Ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA); Thiếu tướng Ngô Tiến Quý, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) - người đã có nhiều năm gắn bó với việc giám định hài cốt bằng phương pháp khoa học.



Thưa bạn đọc, thưa các vị khách mời!


Đất nước ta trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ vĩ đại để giành độc lập cho dân tộc và đã có hàng triệu người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống qua các thời kỳ của cách mạng. Việc những người hi sinh bị thất lạc trong chiến tranh do những hoàn cảnh khách quan đem lại là điều không thể tránh khỏi. Trong nhiều năm qua, Đảng, Chính phủ, Quân đội, Công an và nhiều ngành nhiều cấp khác đã cố gắng tìm và quy tập hài cốt của các liệt sĩ. Tuy nhiên số lượng hài cốt bị thất lạc vẫn còn không ít.


Trong khoảng 20 năm trở lại đây, việc tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm đã phát triển rất nhanh. Bên cạnh những thành công của các nhà ngoại cảm chân chính thì cũng có không ít những vụ việc buồn do những nhà ngoại cảm rởm gây ra. Và thậm chí người ta còn chụp mũ cho các nhà ngoại cảm là lợi dụng mê tín dị đoan, là bịp bợm…


Có một sự thực là không ít vụ lừa đảo của những kẻ đội lốt nhà ngoại cảm gây ra và đã tạo nên một sự nghi ngờ trong xã hội đặc biệt là đối với những gia đình có thân nhân đang bị thất lạc hài cốt… Hoặc đã tìm được hài cốt rồi nhưng lại bán tín, bán nghi…


Thưa bạn đọc, và thưa các vị khách mời, trong quá trình chuẩn bị cho buổi giao lưu này chúng tôi đã nhận được hàng trăm câu hỏi của bạn đọc gửi về với mong muốn được các nhà ngoại cảm và những người đã tham gia trực tiếp vào công việc tìm kiếm và giám định hài cốt trả lời. Chúng tôi tạm chia các câu hỏi ra làm bốn nhóm vấn đề:


Vấn đề thứ nhất: Tại sao việc tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm mới nảy sinh trong vòng 20 năm nay mà xưa kia không có? Vậy đây có phải là biểu hiện của sự “âm thịnh dương suy” hay không? Và người ngoại cảm là người như thế nào? Từ đâu mà họ có khả năng ngoại cảm đấy? Ngoại cảm có phải là thứ trời cho không hay là do tu luyện mà có?


Vấn đề thứ hai: Tính chính xác của việc tìm kiếm hài cốt bằng phương pháp ngoại cảm. Và để đảm bảo được tính chính xác đấy thì phải có những yếu tố gì?


Vấn đề thứ ba: Làm thế nào để phân biệt được nhà ngoại cảm thật, nhà ngoại cảm chân chính với các nhà ngoại cảm rởm?


Vấn đề thứ tư: Việc tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm là phương pháp có thật đã đạt được những hiệu quả to lớn trong việc tìm kiếm hài cốt bị thất lạc vậy có cần phải quản lý các nhà ngoại cảm này không? Và có chế độ chính sách riêng gì cho các nhà ngoại cảm không? Đồng thời ngoài việc tìm kiếm hài cốt có nên sử dụng các nhà ngoại cảm vào những việc khác hay không?



Độc giả Phan Hoàng Linh (Hà Nội): Cá nhân tôi rất vui khi được biết chị đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến do Báo điện tử Petrotimes tổ chức. Xin chúc chị mạnh khỏe, luôn tĩnh tâm để giúp ích được cho cả người trên dương thế và người dưới cõi âm.


Xin phép được hỏi chị: Chị phát hiện ra mình có khả năng ngoại cảm từ khi nào? Chị có hoảng sợ khi thấy mình có khả năng nói chuyện được với người cõi âm hay không? Và những người thân trong gia đình chị có lo lắng, sợ hãi khi thấy chị có khả năng siêu phàm đó không?


Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Tôi đã gặp tai nạn, biến cố và có khả năng ngoại cảm từ đó. Lúc đầu tôi rất sợ, trốn tránh không được, tôi hoang mang, người âm đuổi theo nhờ cậy, không chạy được. Lúc đầu người ta bảo tôi nói gở, hồi sau mọi người mới thấy là thật.


Độc giả Lê Thanh Huy (Bình Dương): Xin chị vui lòng cho biết, chị đã tìm được bao nhiêu hài cốt bị thất lạc. Và độ chính xác là bao nhiêu phần trăm?


Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Bản thân tôi cũng không thể nhớ hết bao nhiêu nghìn ngôi mộ. Nhưng tôi đã được 3 cơ quan: UIA, Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống tặng gương Huyền Thông A1000 từ năm 2000.


Tôi không tự đánh giá được mình, nhưng chủ nhiệm chương trình khảo nghiệm đề tài tìm mộ liệt sĩ của 3 cơ quan đã đánh giá là người trong hàng ngũ xuất sắc điển hình, khoảng 70%. Có nghĩa là trong 100 ngôi mộ tôi chịu trách nhiệm phụ trách thì xác suất thành công là 70 ngôi, còn 30 ngôi vì những lý do này khác, tôi chưa thành công.



Độc giả gửi từ email ngoclam@yahoo.com: Có thể tập luyện để nói chuyện được với người cõi âm hay không?


Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Tôi do bị tai nạn xảy biến cố mà có khả năng. Theo tôi được biết, các bậc tu hành giác ngộ, người ta cũng có khả năng giao lưu với thế giới vô hình. Nhưng những người này thường người ta không tham gia vào những vấn đề xã hội.


Độc giả Nguyễn Thu Minh (thuminh@gmail.com): Thưa ông, ông có thể cho độc giả biết thật vắn tắt lịch sử hình thành của UIA và tại sao gần đây lại sinh ra nhiều nhà ngoại cảm đến như vậy? Phải chăng chúng ta đang ở trong giai đoạn “âm thịnh, dương suy”? Nếu đúng như vậy thì chúng ta phải ứng xử với người cõi âm như thế nào?


Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Ngoại cảm vốn có từ xa xưa, chỉ có điều chúng ta chưa nghiên cứu thấu đáo mà thôi: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Nhân Tông, Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường... Còn bây giờ nhà ngoại cảm nhái rất nhiều, trên 90%. Nếu bớt đi 90% của nhái đó đi thì tỷ lệ vẫn như xa xưa mà thôi.


Vì bạn nhìn thấy quá nhiều người tự xưng là nhà ngoại cảm nên bạn nghĩ đó là “âm”. Chứ thực ra không phải vậy. Bao giờ âm dương cũng ở thế cân bằng.


Từ xa xưa, ông cha ta đã có rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng để ứng xử với thế giới vô hình, nhưng hiện nay nhiều người tin theo bọn “nhái” nên sinh ra các hoạt động mê tín dị đoan.


Muốn ứng xử với người cõi âm để cho “âm siêu dương thái” thì phải tìm hiểu và giải mã những thông điệp từ cõi giới tâm linh. Cụ thể là: Không chỉ xây mộ to mộ đẹp, hình tướng bên ngoài là đủ mà phải làm những điều thiện, điều công đức để hồi hướng cho hương linh liệt sĩ và hương linh gia tiên, thực hiện những ước nguyện thiêng liêng của họ. Đó là cách ứng xử tốt nhất với người cõi âm, đó là làm điều thiện để phát nguyện cho họ - đó gọi là âm siêu dương thái.



Độc giả có địa chỉ email tuongminh@gmail.com: Trên thế giới, hầu như quốc gia nào cũng tồn tại khái niệm về người ở cõi âm. Đặc biệt là trong một số tôn giáo như Phật giáo thì điều này càng rõ, đó là thể hiện trong giáo lý nhà Phật về kiếp luân hồi. Vậy theo ông, có kiếp luân hồi hay không? Nếu có thì chúng ta cần phải sống như thế nào để kiếp sau được tốt hơn?


Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Luân hồi là 1 quy luật khách quan của vũ trụ, bất cứ cái gì cũng có luân hồi... Tất cả đều tuân theo thuyết nhân quả luân hồi... Vậy thì sự luân hồi của kiếp người (thế giới hữu tình) cũng chỉ là một trong số đó.


Muốn kiếp sau tốt hơn thì kiếp này cần làm những điều thiện và cụ thể nói một cách bóng gió là: Muốn biết mùa sau gặt cái gì thì hãy nhìn hôm nay đang gieo cái gì!



Độc giả Tiến Nguyễn (tiennguyen@gmail.com): Thưa tiến sĩ, là một người từng đứng đầu cơ quan Khoa học Hình sự của Bộ Công an, ông có thể cho biết vì sao Viện Khoa học Hình sự lại là đơn vị được Chính phủ giao cho nhiệm vụ thực hiện chương trình khảo nghiệm tìm mộ liệt sĩ thất lạc bằng các khả năng đặc biệt? Đã có khi nào ông nghĩ đây là chuyện mê tín hay không?


Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý: Năm 1996, Viện Khoa học Hình sự được Hiệp hội câu lạc bộ UNESCO Việt Nam mời tham gia "Chương trình tìm lại Nam Cao" cùng 34 tổ chức, cơ quan khoa học khác. Đặc biệt lần đầu tiên có sự tham gia của 7 người có khả năng đặc biệt, mà mọi người thường gọi là các nhà ngoại cảm. Như chúng ta đều biết, chương trình này đã thành công tốt đẹp. Hài cốt của nhà văn Nam Cao đã được đưa về Viện Khoa học Hình sự giám định và sau đó đã chuyển địa phương và gia đình để tổ chức truy điệu và an táng bằng những nghi lễ rất trang trọng.


Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đã có một số nhà ngoại cảm tham gia tìm mộ liệt sĩ, theo đánh giá là có kết quả tốt. Trong dư luận xã hội cuối thập niên 90 có sự phân tâm rất mạnh giữa mê tín và tâm linh xung quanh việc này. Do vậy, giữa năm 1997 các cán bộ khoa học của 3 cơ quan là Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống (thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) do GS.TSKH Phan Đăng Nhật làm Giám đốc, Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam) do TS Vũ Thế Khanh làm Giám đốc và Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, do tôi là Phó viện trưởng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xin được nghiên cứu khảo nghiệm trường hợp anh Nguyễn Văn Liên, sinh năm 1963, quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương về khả năng tìm mộ từ xa bằng ngoại cảm. Mục đích của nghiên cứu khảo nghiệm là xác định xem anh Liên thực sự có khả năng tìm mộ từ xa bằng ngoại cảm hay không để báo cáo các cơ quan quản lý Nhà nước và cũng để góp phần ổn định tâm lý xã hội.


Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) nghiên cứu, trả lời 3 cơ quan. Bộ KH-CN&MT đã ủng hộ việc nghiên cứu, lưu ý tránh mê tín dị đoan.


Tháng 10/1997, Bộ KH-CN&MT có công văn giao Viện Khoa học Hình sự chủ trì phối hợp với Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống và UIA tổ chức nghiên cứu.


Chúng tôi đã nghiêm túc tổ chức nghiên cứu, lựa chọn phương pháp khảo nghiệm phù hợp, tránh mê tín, dị đoan. Với số ca khảo nghiệm và xác suất thành công cao, kết quả nghiên cứu đã khẳng định được khả năng tìm mộ từ xa bằng ngoại cảm của anh Nguyễn Văn Liên là có thật. Đến giữa tháng 2/1998, 3 cơ quan đã có báo cáo kết quả nghiên cứu khảo nghiệm gửi các cơ quan quản lý, Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách và các cơ quan của Đảng, Nhà nước.


Ngay từ đầu chúng tôi đã ý thức là việc nghiên cứu khảo nghiệm phải được thực hiện nghiêm túc vì vấn đề được nghiên cứu là cực kỳ nhạy cảm trên mọi phương diện. Đúng là ranh giới giữa tâm linh và mê tín vô cùng mỏng manh. Có người còn ví là không đủ chỗ để “cắm một cái kim”. Nhưng với phương pháp nghiên cứu hiện đại, phù hợp, trong đó chú ý phát hiện những thông tin mang tính cá biệt, có giá trị cao; “khách quan hóa” tối đa những thông tin do nhà ngoại cảm cung cấp (ban đầu hoàn toàn mang tính chủ quan), xác định nhân chứng và đặc biệt là vật chứng bằng các phương pháp giám định tối ưu của kỹ thuật hình sự, pháp y... chúng tôi đã thu được kết quả khách quan, đáng tin cậy và đã tránh được tất cả các yếu tố mê tín, dị đoan.


Do vậy, lãnh đạo và các cơ quan quản lý đã biểu dương, khen thưởng các cơ quan, tập thể cán bộ nghiên cứu và sự hợp tác của nhà ngoại cảm. Đồng thời đồng ý giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức nghiên cứu tiếp.


... Mời độc giả ấn F5 để tiếp tục cập nhật


PetroTimes






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ cho thuê taxi tải

Dịch vụ cho thuê taxi tải vận chuyển hàng hóa