>> Bắt “nhà ngoại cảm” nghi làm giả hài cốt liệt sĩ
>> Bắt “nhà ngoại cảm” Nguyễn Thanh Thúy
Không giám định ADN xác minh hài cốt liệt sĩ
Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết cuối năm 2012, sở nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phối hợp với NH CSXH và “nhà tâm linh” Nguyễn Thanh Thúy (tức “cậu Thủy”) để tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo. Theo “cậu Thủy”, trong khu vực này đã tìm được hài cốt của liệt sĩ Dương Văn Mừng (cha của ông Dương Quyết Thắng, tổng giám đốc NH CSXH), ở đây còn có hàng chục bộ đội khác hi sinh.
Từ ngày 28 đến 30-12-2012 tại thôn 1, xã Ea H’Leo, ngay bên quốc lộ 14, trước sự chứng kiến của UBND tỉnh Đắk Lắk cùng nhiều cơ quan ban ngành và nhân dân địa phương, “cậu Thủy” dùng phương pháp áp vong nhập hồn vào nhân viên NH CSXH và một nữ cán bộ xã Ea H’Leo để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Sau đó “cậu Thủy” cùng các nhân viên ngân hàng tổ chức khai quật 10 điểm. Trong 10 điểm khai quật, có tám điểm “cậu Thủy” cho rằng là hố chôn tập thể, hai điểm là hố chôn cá nhân, trong đó có một điểm không có xương cốt, di vật, chỉ có màu đất đen. Đợt khai quật này cũng thu được tám biđông (bảy cái có ghi thông tin), 15 ngôi sao vàng, ba huy hiệu, sáu chiếc dép cao su...
Tương tự, trong đợt quy tập thứ hai từ ngày 6 đến 9-3-2013, cũng bằng phương pháp áp vong nhập hồn, “cậu Thủy” đã quy tập được 42 bộ hài cốt liệt sĩ. Trong số các hài cốt này, cơ quan chức năng ghi nhận có một số bộ phận là xương người và cũng có một số di vật của các chiến sĩ. Ngay sau khi kết thúc hai đợt quy tập, 73 bộ hài cốt được đưa về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh để an táng, không tổ chức lấy mẫu sinh phẩm xương cốt để giám định ADN theo quy định.
Một cán bộ phòng người có công Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết trong quá trình quy tập, sở có kế hoạch lấy mẫu đi giám định ADN. Tuy nhiên quần chúng nhân dân có mặt tại các đợt khai quật có ý kiến không nên lấy mẫu giám định, vì việc khai quật diễn ra công khai, có sự giám sát của lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, các ngành chức năng. Do đó Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk đã không lấy mẫu xương đi giám định ADN. Tuy nhiên, sau khi đã an táng các hài cốt tại nghĩa trang liệt sĩ, sở có văn bản gửi Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) về việc giám định ADN các bộ hài cốt liệt sĩ trong hai đợt quy tập tại huyện Ea H’Leo. Ngày 8-5-2013, Cục Người có công có văn bản trả lời chưa cần lấy mẫu cốt để giám định ADN vì các bộ hài cốt đã được an táng theo đúng quy hoạch của nghĩa trang.
Trong khi đó, đại tá Nguyễn Thái Tương - trưởng ban chính sách Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 - cho biết dựa trên các tư liệu lịch sử bộ đội chủ lực mặt trận Tây nguyên của Quân đoàn 3 giai đoạn từ năm 1964-2000 thì không có bất kỳ thông tin nào về đơn vị cũng như trận đánh tại khu vực cầu 110, thuộc huyện Ea H’Leo. Theo ông Tương, trong hồ sơ liệt sĩ của mặt trận Tây nguyên - Quân đoàn 3 được lưu trữ tại Cục Chính trị không thấy có thông tin về liệt sĩ nào hi sinh được mai táng tại khu vực cầu 110.
Không thể tin
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước về việc phối hợp với NH CSXH, đội K72 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước đã thực hiện giám sát công tác khai quật hài cốt liệt sĩ tại ấp Xa Cam 1, P.Hưng Chiến, thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước) của ông Nguyễn Thanh Thúy.
Theo hồ sơ của đội K72, ở ba vị trí có hài cốt nằm dạng hình tam giác, các biđông nước ở cả ba vị trí đều được đặt ngang, cùng chiều. Trong hai hố chôn tập thể (có 13 hài cốt) nhưng diện tích khai quật lấy được hài cốt thì rất nhỏ (chỉ từ 1x1,5m), không phù hợp với thực tế chôn cất mộ tập thể. Những di vật như dép cao su thì còn mới, dưới đế chưa mòn; huy hiệu ngôi sao vẫn còn màu sơn đỏ; biđông nước khắc cùng một kiểu chữ có nét giống nhau, có dấu hiệu bị đốt; đầu đạn không phải là đầu đạn bắn ra từ nòng súng, lõi chì còn mới...Sau khi khai quật, NH CSXH tổ chức lễ an táng. Qua kinh nghiệm, đội K72 nhận thấy một số hài cốt được an táng trong quách có nhiều điểm khác thường. Cụ thể, về trọng lượng xương nặng hơn xương của liệt sĩ mà đội K72 từng cất bốc, trong lõi xương có cát và bột ximăng (vị trí cất bốc hài cốt nằm trong khu vực đất đỏ bazan), xương dày hơn xương người chết bình thường và có một số ximăng trộn cát đông cục.
Từ thực tế giám sát, đội K72 cùng Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước thống nhất xác định đây không phải là hài cốt liệt sĩ nên đề nghị khai quật lại toàn bộ số hài cốt vừa an táng để mang đi giám định ADN. Từ yêu cầu này, Viện Công nghệ sinh học lấy mẫu hài cốt được khai quật tại ấp Xa Cam 1, P.Hưng Chiến đi giám định. Kết quả phân tích giám định gen của các mẫu xương xác nhận ADN tách từ các mẫu cốt không cho kết quả nhân bản PCR đoạn gen đặc hiệu vùng D-loop của người.
Chiều 29-10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm có công văn yêu cầu tham mưu phương án xử lý các mẫu xương quy tập tại ấp Xa Cam 1, P.Hưng Chiến. Sở LĐ-TB&XH mời đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan họp và đi đến thống nhất: trong số 15 hài cốt do “cậu Thủy” cùng NH CSXH quy tập có ba hài cốt được đưa về quê theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ, còn lại 12 hài cốt đưa vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Hiện sự việc đang trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng thống nhất đề nghị UBND tỉnh vẫn để nguyên 12 mộ trong nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, chờ khi có kết quả điều tra của ngành công an sẽ xử lý theo thực tế.
TR.TÂN - T.B.DŨNG - MINH LUẬN - BÙI LIÊM
“Cậu Thủy” nhận tiền đặt cọc của gia đình liệt sĩ Theo thông tin từ Viện Pháp y quân đội, tháng 7-2013 Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) có đề nghị cơ quan này cùng tham gia giám định trong đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ do NH CSXH và “cậu Thủy” tổ chức tại Quảng Trị. Viện đã cử cán bộ vào Quảng Trị lấy mẫu và đem kiểm tra tại Viện Pháp y quân đội. Kết quả thu được cho thấy các mẫu không phải là hài cốt liệt sĩ. Thông tin từ Viện Pháp y quân đội còn cho biết nhóm của “cậu Thủy” tổ chức hai điểm được cho là có hài cốt liệt sĩ và làm một số biện pháp mê hoặc, “áp vong”. Tại các khu vực do “cậu Thủy” chỉ tìm thấy hài cốt, đều có những di vật như biđông đựng nước hoen gỉ có khắc tên liệt sĩ, đầu đạn, sao gắn trên mũ... Các bộ hài cốt này sau đó đều được đưa về nghĩa trang quê nhà của liệt sĩ. Về tên tuổi liệt sĩ, “cậu Thủy” thường yêu cầu gia đình kể chi tiết về liệt sĩ từ nhiều tháng trước chuyến đi tìm, kèm theo 15 triệu đồng “đặt cọc” cho mỗi trường hợp. LAN ANH |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét