Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Bi hài chuyện nợ như "chúa Chổm" vì vay lãi để... làm dân chơi

Bi hài chuyện nợ như "chúa Chổm" vì vay lãi để... làm dân chơi
Mấy ngày nay, ở khu phố Đ.N xôn xao câu chuyện một thanh niên tên P.G.L (sinh năm 1989) uống thuốc ngủ tự tự để tìm cách “giải quyết” số nợ 600 triệu không có khả năng thanh toán. Thương cho thanh niên dại dột, nhưng người ta còn thương bố mẹ L hơn nhiều lần. Ngày đưa tang cậu con trai chưa vợ mới 24 tuổi, bố mẹ L khóc ngất. Chưa kể ngay sau tang lễ, gia chủ còn phải đón gần chục chủ nợ của L, đến thắp hương cho cậu và nêu luôn số nợ để bố mẹ L thanh toán. Người chết thì đã chết, nhưng nợ vẫn phải trả, còn nỗi đau nào lớn hơn vậy mà L cứ nghĩ đơn giản “chết là hết”!

Đến lúc này mọi người mới biết, L vay tiền không phải để cờ bạc cá độ hay đầu tư làm ăn như những con nợ khác mà là mua sắm quần áo hàng hiệu, bao bạn đi chơi và du lịch nước ngoài. Chủ nợ của L cho biết, khách hàng này thuộc loại “ngoan ngoãn, hiền, đóng lãi đều như vắt chanh” nên nếu có lấy thêm vài chục triệu 1 lần vay, chủ cũng sẵn sàng xuống tiền.


Còn bạn bè L kể trong nước mắt, cậu luôn đóng vai chủ chi trong các cuộc vui, rất hào phóng và không tiếc tiền mua quà cáp tặng bạn bè. L cũng là người mua đồ hiệu nhanh không phải nghĩ, mẫu quần áo, giày dép nào mới ra cậu cũng “đi đầu phong trào”. Đến nhà chia buồn với gia đình L, bạn bè mới ngã ngửa khi thấy bố mẹ L làm công nhân viên chức bình thường và chưa bao giờ cho con quá 1 triệu để mua quần áo.


Thương L, nhưng ai nấy không khỏi trách cậu quá dại dột. L vay lãi khoảng 2 năm nay, ngày càng nợ chồng nợ bởi những lần vay sau lại nhiều hơn trước chỉ để chất đống đồ hiệu trong tủ, tham dự những cuộc vui với con nhà giàu, đi du lịch nước ngoài. Gần đây, L quay quắt tiền đủ kiểu chỉ để trả lãi chứ chẳng thể thanh toán gốc, nhưng ra đường, cậu vẫn phải bóng bẩy và các tối cuối tuần vẫn bao bạn đi uống rượu trên bar.


Bi hài chuyện nợ như "chúa Chổm" vì vay lãi để... làm dân chơi 1

Bóng bẩy là thế, nhưng chiều chiều vẫn phải quay quắt tiền trả lãi (Ảnh minh họa)




Anh H, một chủ hàng cầm đồ, cho vay lãi trên đường Kim Ngưu cho biết, một năm anh gặp khoảng 2 đến 3 vụ “tai nạn” như thế này, ngày xưa dân cờ bạc vay tiền là chủ yếu, nhưng bây giờ, đối tượng thanh niên trẻ ham chơi, vay lãi ngày hoặc tháng để chi trả cho các cuộc vui, ăn chơi, đồ hiệu còn nhiều hơn. “Tai nạn” là khách trốn, hoặc nghĩ quẩn đến mức tự tử. Cuối cùng người chịu khổ thay họ lại chính là gia đình, vừa mất con, vừa phải trả khoản nợ khổng lồ.

Tình trạng vay lãi lấy tiền ăn chơi trong giới trẻ ở thành phố đã trở thành vấn đề nóng. Hình ảnh các dân chơi ra ngoài thì bóng bẩy, xe tay ga hoặc lái xế hộp, đồ hiệu cả cành, nói chuyện toàn nghìn tỉ nhưng chiều chiều vẫn phải quay quắt tiền đóng lãi những khoản vay nóng, đã không còn hiếm trong xã hội bây giờ. Thậm chí trở nên nhan nhản, được gọi một cách mỉa mai là “dân chơi trả góp”.


Nhìn vẻ bề ngoài của Gia Long, 9x đời đầu nhà ở Nguyễn Văn Cừ - Gia Lâm - Hà Nội, không ai nghĩ anh chàng 23 tuổi này lại mang trong mình số nợ đáng kể: 500 triệu. Long vay tiền, bốc họ của 3 chủ nợ chuyên cho vay với lãi suất từ 3000đ đến 5000/triệu/ngày, họ 10 ăn 8 (vay 10 triệu chỉ được cầm 8 triệu). Từ khoản 100 triệu lúc đầu, cậu không khống được chi tiêu nên số nợ vọt lên nhanh chóng cả lãi lẫn gốc. Cho tới trước khi “vỡ”, mỗi ngày mở mắt ra, Long phải trả từ 1 tới 2 triệu tiền lãi, họ.


Long không cờ bạc, nhà cửa đàng hoàng, lại là con một nên các chủ nợ coi như “khách đẹp”, sẵn sàng cho cậu vay miệng, không cần để lại tài sản thế chấp mà chỉ cần viết giấy.


Công tử này vay lãi, bốc họ để ăn chơi “khét tiếng”. Không một quán bar nào thiếu mặt hội hè của Long, mỗi lần bước chân vào cửa hàng đồ hiệu, Long chỉ mua series đồ mới nhất. Cậu hào phóng tặng các em gái xì tin đang lao theo mình như thiêu thân quần áo, giày dép hàng hiệu. Đến hát tại quán karaoke, công tử bao hẳn cả tầng để tổ chức off room hội cậu chơi trên mạng. Ngày sinh nhật, công tử tổ chức party ở resort trên biển Đà Nẵng, bao chục đứa bạn ăn chơi phè phỡn.


Bi hài chuyện nợ như "chúa Chổm" vì vay lãi để... làm dân chơi 2

Vì thích cuộc sống hưởng thụ, đua đòi, họ sẵn sàng rơi vào bẫy tín dụng đen




Chỉ tới khi Long biến mất khỏi các cuộc vui, điện thoại tắt, và nhà cậu liên tục phải đón những kẻ đòi nợ “đầu trâu mặt ngựa”, xăm trổ kín người, mọi người mới biết hóa ra tiền để Long phung phí thời gian vừa qua đều từ những “ông anh, ông chú” dân xã hội, sẵn sàng cho “thằng em, thằng cháu” vay nhưng thực chất là để “thịt”, ăn lãi cắt cổ.

Bây giờ thì công tử đã trốn biệt tích, bố mẹ ở nhà è cổ trả đống nợ do chính con trai mình viết giấy. Vì không muốn dây dưa với xã hội đen, họ phải gom góp hết tiền của họ hàng, vay mượn khắp nơi mới đủ trả cả gốc lẫn lãi.


Một dân chơi khác, sinh năm 1987 trú tại phố Thụy Khuê, liều lĩnh đến mức rơi vào bẫy pháp luật của dân cho vay lãi, khi thuê lại xe của hàng cầm đồ rồi đặt cho chính chủ hàng đó. Cầm khoản tiền 300 triệu trong tay, cậu này ăn chơi phá phách tung trời, vào Sài Gòn làm “cậu 2” cho tới khi hết sạch tiền mới vác mặt ra. Không có khả năng thanh toán cả lãi lẫn gốc, dân chơi này đang phải đối mặt với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi trong tay chủ nợ là giấy mượn xe (thực chất là đặt) do chính tay cậu viết. Nếu không muốn con vào tù vì tội lừa đảo, bố mẹ cậu lại phải giang tay ra cứu con.


Đa phần dân làm nghề cho vay nặng lãi đều là dân xã hội đen, nhiều mối quan hệ phức tạp, có thành phần còn tiền án, tiền sự đầy mình. Vay lãi ngoài kể cả có đồ cầm cố đều phải chịu lãi suất cắt cổ. Do vậy, người có nhu cầu vay thực sự rất cẩn trọng và thường không muốn vay ở cửa này. Thế nhưng, với các thanh niên thích ăn chơi, hưởng thụ nhưng lười lao động, họ lại lao vào vay lãi như thiêu thân. Cuối cùng hậu quả thật thảm khốc nếu không có thu nhập để trả nợ, và gánh nặng lại đổ lên vai chính bố mẹ của họ.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ cho thuê taxi tải

Dịch vụ cho thuê taxi tải vận chuyển hàng hóa