Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Ý kiến đa chiều về Biển Đông

Ý kiến đa chiều về Biển Đông


(PetroTimes) - Chuyến công du Nga và Trung Quốc (từ 19/10) của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi đây được coi là chuyến đi nhằm tăng cường quan hệ thương mại, hợp đồng vũ khí, phát triển các dự án điện hạt nhân và giải quyết tranh chấp biên giới kéo dài giữa Ấn Độ với quốc gia hữu quan.



Và từ 21 đến 23/10, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev chính thức thăm Trung Quốc để mở rộng hợp tác đầu tư giữa 2 nước liên quan đến việc thực hiện các dự án năng lượng quy mô lớn.


Cũng trong ngày 19/10, một đội tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga gồm tàu chống hạm cỡ lớn Đô đốc Vinogradov, tàu chở dầu hạng trung Irkut và tàu kéo Kalar đã xuất phát từ Vladivostok để phục vụ chiến đấu tại vùng biển Châu Á - Thái Bình Dương. Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cũng đang triển khai hai đội tàu chiến khác làm nhiệm vụ chiến đấu ở Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.


Yasukuni - ngôi đền gây nhiều tranh cãi


Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và Hàn Quốc, sáng 20/10, ông Keiji Furuya, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề liên quan tới công dân Nhật Bản bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc đã tới viếng Đền Yasukuni và đây là bộ trưởng thứ hai trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe tới viếng ngôi đền chiến tranh gây tranh cãi này. Mặc dù ông Keiji Furuya khẳng định chuyến thăm không nhằm khiêu khích các nước láng giềng và không có nghĩa "tôn vinh" chiến tranh, nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân vẫn triệu Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh Masato Kitera tới trụ sở Bộ Ngoại giao Trung Quốc để phản đối. Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời kêu gọi các chính trị gia Nhật Bản hành động thích hợp trong vấn đề này.



Tàu lặn Giao Long Trung Quốc


Trước đó (18/10), Trung Quốc đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh và có cuộc thảo luận nghiêm túc sau việc Bộ trưởng Nội vụ và Bưu chính Nhật Bản Yoshitaka Shindo cùng hơn 150 nghị sĩ nước này tới viếng Đền Yasukuni. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai-young tỏ ý lo ngại trước việc Thủ tướng Shinzo Abe gửi đồ viếng tới Đền Yasukuni, đồng thời nhấn mạnh: “Các chính trị gia Nhật Bản cần nhận thức đúng lịch sử trong quá khứ để gây dựng lòng tin của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế”. Tuy ông Shinzo Abe không tới Đền Yasukuni, nhưng em trai Thủ tướng là Thứ trưởng Ngoại giao Nobuo Kishi vẫn đến viếng (19/10).


Ngày 18/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Tokyo sẽ hợp tác để cải thiện mối quan hệ với Seoul và Bắc Kinh thông qua đối thoại các cấp. Tuyên bố đưa ra 1 ngày sau khi Thủ tướng Shinzo Abe gửi đồ lễ tới Đền Yasukuni nhân lễ hội mùa Thu tổ chức tại ngôi đền này. Kể từ khi tái nắm quyền Thủ tướng, ông Shinzo Abe đã 3 lần gửi đồ cúng tiến Đền Yasukuni.


Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng, việc Thủ tướng Shinzo Abe không đến viếng Đền Yasukuni nhân dịp Lễ hội mùa Thu là một quyết định mang tính đại cục, nhưng trong nhiệm kỳ của mình, ông Shinzo Abe sẽ không từ bỏ việc thăm viếng Đền Yasukuni. Bởi theo lời một nhân vật thân cận của Thủ tướng tiết lộ, sau Lễ hội mùa Thu, nhiều khả năng ông Shinzo Abe sẽ viếng Đền Yasukuni vào dịp cuối năm nay. Cũng trong ngày 18/10, khi phát biểu tại Thượng viện, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, nội các của ông giữ nguyên quan điểm về lịch sử của các nội các tiền nhiệm. Ông Shinzo Abe đưa ra tuyên bố này để trả lời câu hỏi của ông Yamaguchi Natsuo, lãnh đạo đảng Công Minh về mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc.


Mặc dù đều là đồng minh của Mỹ, là hai cường quốc trong khu vực Đông Bắc Á, lại có nhiều nét văn hóa tương đồng, nhưng người dân Hàn Quốc không tin Nhật Bản là đồng minh thân thiện. Trong chuyến thị sát đảo Iwo Jima mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Odonera tuyên bố, Tokyo sẽ xây dựng hòn đảo này thành một cứ điểm phòng thủ mới, nhằm tăng cường bảo vệ chủ quyền và lợi ích hải dương của đất nước mặt trời mọc. Ông Itsunori Odonera còn cho biết, Nhật Bản sẽ tăng cường cảnh giới, phòng vệ khu vực biển xung quanh đảo và đến năm 2014 Tokyo sẽ xây dựng ở đây một căn cứ kiểm tra, giám sát thông tin nhằm kiểm soát hoạt động ra vào Thái Bình Dương của chiến hạm các nước xung quanh.


Những cách nhìn khác nhau về Biển Đông


Ngày 19/10, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng, đề xuất thiết lập "con đường tơ lụa" mới trên Biển Đông nhằm kết nối các cảng biển và hợp tác hàng hải của Trung Quốc đang đối mặt với sự hoài nghi từ các đối tác ASEAN. "Con đường tơ lụa" trên Biển Đông được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đề xuất khi hai ông tham dự diễn đàn APEC và hội nghị thượng đỉnh Đông Á hồi tuần trước.


Giáo sư Aileen Baviera của Trường đại học Philippines nhận định, các nước ASEAN nghĩ rằng Trung Quốc đang quá hung hăng với yêu sách chủ quyền vô lý của mình ở Biển Đông và việc các nước sử dụng kinh phí từ quỹ này có thể làm tổn hại tới lợi ích biển của mình. Còn theo giảng viên Trường đại học Quốc phòng Indonesia Kusnanto Anggoro, xung đột lợi ích là lý do chính khiến các nước ASEAN xem xét lại việc sử dụng quỹ này. Trong khi đó nhà nghiên cứu Malaysia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Anbound Karl Lee nhận định, ASEAN biết ít thông tin về quỹ hợp tác hàng hải sau gần 2 năm được thành lập.



Tổng thống Philippines Benigno Aquino


Sáng 18/10, tại Moskva, thủ đô của nước Nga đã khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất “An ninh và Hợp tác ở khu vực Biển Đông” (do Viện Đông Phương học của Nga đăng cai tổ chức) với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học uy tín của Nga và nhiều nước trên thế giới nhằm tạo diễn đàn để các nhà chính trị, học giả và các chuyên gia nghiên cứu quốc tế đưa ra ý kiến đánh giá đa chiều về vấn đề này dưới góc độ địa - chính trị, nguy cơ bất ổn và chạy đua vũ trang ở khu vực, bình diện pháp lý, lịch sử của các tranh chấp ở Biển Đông, khả năng giải quyết các vấn đề hiện nay. Vấn đề Biển Đông là một trong những đề tài thu hút sự quan tâm lớn của dư luận và mọi người hy vọng, các tham luận tại hội thảo này sẽ góp phần giúp các nước đang có tranh chấp sớm tìm ra biện pháp giải quyết xung đột một cách hòa bình, bền vững và cùng có lợi.


Ngày 17/10, trên trang cá nhân của mình, học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa, chuyên gia về Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đã có những bình luận đáng chú ý về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tập trung vào vấn đề hợp tác trên biển. Trong đó ông Lý Lệnh Hoa khuyến cáo, hiện có nhiều chuyên gia, học giả Trung Quốc thiếu kiến thức cơ bản, khái niệm cơ bản về lý luận phân giới trên các vùng biển quốc tế hiện đại cũng như cách xác định các điểm cơ sở, đường cơ sở lãnh hải, nhưng lại thích lên tivi, lên báo đài nói này nói nọ. Bên cạnh đó, nhiều hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn chạy theo những lý luận cũ, khái niệm cũ của 30 năm trước khi tuyên truyền về công tác phân giới trên biển cũng như tuyên truyền về kỹ thuật phân giới trên biển khác xa so với thực tế hiện tại, điều này không ổn. Theo ông Lý Lệnh Hoa: một đường biên giới tốt mới có thể có láng giềng tốt.


Trước đó (15/10), Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders tuyên bố, Liên minh châu Âu có "lợi ích cốt yếu" ở Biển Đông, đồng thời bày tỏ lo ngại về căng thẳng leo thang ở khu vực này. Về phần mình, ngày 10/10, Tổng thống Myanmar U Thein Sein đã tiếp quản ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014 từ Quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah. Và Myanmar hiểu rằng, Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng tới vấn đề Biển Đông và COC trong năm 2014 nên nước này sẽ làm việc chặt chẽ với các nước ASEAN về COC. Giới phân tích cho rằng, Myanmar sẽ thận trọng trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN đối với vấn đề Biển Đông và cố gắng không lặp lại vết xe đổ của Campuchia năm 2012.


Những quan ngại của dư luận về Trung Quốc


Ngày 18/10, Hải quân Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận tác chiến ở vùng biển phía tây Thái Bình Dương, theo đó Hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải, vốn hoạt động ở Biển Đông, cùng tham gia cuộc tập trận dự kiến kéo dài tới đầu tháng 11. Cuộc tập trận nhằm nâng cao khả năng tác chiến của hải quân Trung Quốc ở vùng biển xa, trong đó chú trọng huấn luyện cho các lực lượng tàu ngầm, chiến đấu cơ, tên lửa của 3 hạm đội này. Cũng trong ngày 18/10, Tân Hoa xã cho biết, tàu lặn thăm dò biển sâu có người lái Giao Long của Trung Quốc đã lên kế hoạch cho chuyến khảo sát Ấn Độ Dương vào cuối năm tới. Con tàu này sẽ thực hiện các nghiên cứu khoa học tập trung vào những loại khoáng vật ở Tây Nam Ấn Độ Dương. Theo tờ Izvestia, ngày 15/11, Nga sẽ chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ tàu sân bay Đô đốc Gorshkov (New Delhi đổi thành Vikramaditya) với tổng trị giá lên tới 2,3 tỉ USD và việc này sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân quân sự trong khu vực. Nhận định này càng trở nên thuyết phục sau khi Ấn Độ chuẩn bị đặt mua 8 tàu quét mìn trị giá 1,2 tỉ USD của Hàn Quốc.



Ông Vytali Naumkin (phải) chủ trì Hội thảo


Trước đó (17/10), tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, Mỹ sẽ triển khai tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt đến Thái Bình Dương để chống lại chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc. Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ cho rằng, tàu khu trục tàng hình USS Elmo Zumwalt (DDG-1000) được coi là tương lai của hải quân Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng vừa công bố một báo cáo chỉ ra những lo ngại của Washington về sức mạnh của quân đội Trung Quốc. Trong báo cáo thường niên “Diễn biến An ninh và Quân sự liên quan đến Trung Quốc năm 2013” dài 83 trang của Lầu Năm Góc đã chỉ ra 4 lo ngại lớn về quân đội Trung Quốc cần được Mỹ quan tâm và theo dõi. Thứ nhất, trình độ công nghệ thông tin trong các cuộc tấn công mạng. Thứ hai, khả năng tác chiến không gian. Thứ ba, phát triển các loại tên lửa chống tàu, đặc biệt là DF-21D. Thứ tư, máy bay không người lái.


Dư luận đang quan tâm tới thông tin của Tạp chí IHS Jane’s khi dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein cho biết, Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) đang chuẩn bị thành lập lực lượng thủy quân lục chiến đồng thời thiết lập một căn cứ hải quân mới ở Biển Đông. Bởi Malaysia muốn bảo vệ những vùng lãnh hải xung quanh và trữ lượng dầu mỏ trong khu vực. Theo Tạp chí IHS Jane’s, Malaysia sẽ học kinh nghiệm từ lính thủy đánh bộ Mỹ để phát triển lực lượng của mình. Động thái kể trên xuất hiện sau khi Bắc Kinh đưa một loạt tàu chiến đến tập trận đổ bộ ở khu vực bãi cạn cách bờ biển Malaysia khoảng 80km, nhưng cách Trung Quốc tới 1.800km và đây là hành động phơi bày rõ tham vọng và quyết tâm độc chiếm Biển Đông của nước này.


Ngày 18/10, lính thủy đánh bộ Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) kết thúc cuộc tập trận chung (kéo dài 11 ngày) sử dụng máy bay vận tải hạng nặng MV- 22 Osprey ở phía tây tỉnh Shiga của Nhật Bản. Giới chuyên môn cho rằng, thủy quân lục chiến Trung Quốc tuy chỉ có 2 lữ đoàn, khoảng 6.000 lính, nhưng được củng cố và hỗ trợ bởi hải quân, không quân, pháo binh đổ bộ và thiết giáp. Ngày 17/10, Hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn lời người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Mỹ cho biết, hạm đội này đã có tư lệnh gốc Nhật Bản đầu tiên, ông Harry Harris. Đây được coi là sự tin tưởng của Mỹ đối với đồng minh Nhật Bản.


Giới bình luận cho rằng, hiện Nhật Bản và Philippines có thêm đồng minh chống Trung Quốc sau những tuyên bố của tân Ngoại trưởng Australia Julie Bishop.









Ngày 18/10, Tân Hoa xã đưa tin, các nghiên cứu mới nhất của Hội đồng Năng lượng thế giới (WEC) cho thấy trong lòng đất còn 223 tỉ tấn dầu và 209.000 tỉ m3 khí đốt - sẽ chỉ đủ dùng trong khoảng 50 năm nữa. Còn theo báo cáo “Triển vọng Năng lượng Đông Nam Á” vừa công bố, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) khuyến cáo, 10 quốc gia Đông Nam Á cần đầu tư 1.700 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng nhằm đối phó với sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu năng lượng cũng như sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu trong vài thập niên tới. IEA dự báo, Đông Nam Á sẽ tiêu thụ năng lượng tương đương tăng 1 tỉ tấn mỗi năm vào năm 2035, chiếm 10% tốc độ tăng trưởng sử dụng nhiên liệu toàn cầu.



Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dịch vụ cho thuê taxi tải

Dịch vụ cho thuê taxi tải vận chuyển hàng hóa