Không khi nào, văn hóa xếp hàng, ý thức tự giác lại xuống cấp ở nước ta hiện nay. Nếu nói không ngoa đây chính là hình thức phát triển của văn hóa bầy đàn, cộng với chút lòng tham, sự hiếu thắng khiến giới trẻ ở Hà Nội vừa “diễn” một cảnh làm cả đất nước xấu hổ: chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp nhau,... chỉ để được ăn buffet miễn phí trong một cửa hàng sushi trên phố Đoàn Trần Nghiệp.
Bạn trẻ có tên Jenny chỉ tung một bức ảnh “để đời” đó lên chứ không có miêu tả tại sao lại có “biển người” không tưởng đó trước cửa hàng sushi. Để mừng khai trương, cũng như quảng cáo cho sản phẩm, cửa hàng sushi mới mở trên phố Đoàn Trần Nghiệp đã quyết định sẽ mời sushi miễn phí cho khách hàng.
Bên trong cừa hàng cũng hỗn loạn không kém.
Mới đầu, chẳng có gì đáng tiếc xảy ra. Nhưng sau một quãng thời gian, một vài bạn trẻ đến thấy và đã gọi bạn bè tới cùng ăn miễn phí. Khi trong cửa hàng quá tải, buộc khách đến sau phải đợi ở bên ngoài. Nhận thấy một đám người tương đối đông đứng trước cửa hàng, nhiều người đi qua về lại tò mò, chạy tới. Sau khi biết chuyện, họ cũng muốn “có phần”, khiến đám đông ngày càng trở nên hỗn loạn.
Thế là, mới có cảnh hàng ngàn người đứng ngoài chờ đợi để đến lượt mình vô quán ăn buffet miễn phí, gây ra cảnh mất trật tự, tắt nghẽn giao thông. Thấy nhiều người đứng đợi, họ cũng đứng đợi. Mà không hề nghĩ thật ra công đứng đợi, chen lấn, xô đẩy,... có thể còn hơn rất nhiều số tiền của bữa buffet đó. Chưa nói, ăn trong cảnh chật chội, chen chúc, mồ hôi nhễ nhại dù có là cao lương mỹ vị cũng chẳng ngon lành gì.
Mục tiêu của họ chỉ là thắng kẻ bên cạnh, để được vào ăn sushi miễn phí mà không cần biết việc mình làm có đáng hay không. Rằng, đứng dưới lòng đường, gây tắt nghẽn giao thông là đang vi phạm pháp luật, gây hại đến người khác. Bên cạnh đó, còn là nguy cơ bị thương hoặc chết khi bị giẫm đạp, chen lấn,...
Chen lấn cực lực.
Hẳn sau khi sự việc này kết thúc, sẽ không có ít bạn trẻ chợt giật mình, chẳng hiểu vì sao lúc đó mình lại “hăng máu” quá như thế, chen lấn bằng được. Thật ra, lúc đó bạn đang suy nghĩ theo hướng của bầy đàn, chứ không phải theo cá nhân.
Khác với Nhật, tại Việt Nam chúng ta, không có văn hóa xếp hàng. Người tới sau cũng muốn được vào trước như người tới đầu. Ý kiến, ý cò ư? Ai mạnh và chai mặt, người đó sẽ thắng! Đừng nói là đông đảo như thế này không biết xếp hàng làm sao, mà ngay cả khoảng 30 người cũng không có chuyện đó.
Đơn cử như chuyện lấy xe ở bãi giữ xe, nhiều người tế nhị xếp hàng nhưng không ít người thấy có 4-5 xe xếp hàng dài, liền tăng ga vượt lên đễ cố chen ra trước cho bằng được. Mặc kệ, những ánh mắt khó chịu, lời xầm xì và đánh giá vô ý thức của những người xếp hàng đàng hoàng.
Năm 2010, tại hội chợ triển lãm Expo diễn ra tại Nhật, mỗi ngày, có tới 37 ngàn người đến tham quan, nhưng tất cả họ đều xếp hàng. Khi đọc tin này, nhiều người thật sự ngạc nhiên, nhưng cũng nhiều người cảm thấy vô cùng bình thường. Còn bây giờ ở Việt Nam, chuyện một đám đông trở nên điên cuồng vì một vài món lợi cỏn con đã trở thành điều bình thường.
Bẻ hoa nhiệt tình trong lễ hội Hoa anh đào năm 2008.
Trong khi đó, năm 2008, cả đất nước Việt Nam đã phải muối mặt với người Nhật, khi trong lễ hội Hoa anh đào, giao lưu văn hóa Việt-Nhật, một bộ phận bạn trẻ đã xông vài hái hoa, bẻ cành tất cả hoa anh đào thật lẫn giả trưng bày trong lễ hội. Với họ, ngắm thôi chưa đủ, phải bứt về làm của riêng mới hả dạ. Mặc dù, có thể sau khi cầm về khoảng vài tiếng, những bông hoa đẹp đó đã héo queo. Hành động này chẳng khác gì ăn trộm, ăn cắp giữa ban ngày, vì rõ ràng đó không phải là hoa của vườn nhà họ.
Giữa tháng 9 năm nay, đến lượt người Hà Lan phát khiếp vì sự tham lam cũng như hung dữ của người Việt. Chỉ trong khoảng mấy chục phút, người dân Hà Nội đã “thanh toán” hết 3000 chiếc áo mưa mà Đại sứ quán Hà Lan tính phát ra trong chương trình “Đừng để ướt mưa” phối hợp cùng UBND quận Ba Đình.
Mới đầu, người ta cũng từ tốn xếp hàng, nhưng khoảng sau 15 phút, mọi chuyện bắt đầu rối rung lên. Người ta bắt đầu tranh giành, chen lấn, thậm chí còn nhảy lên sân khấu, giật áo mưa từ tay vị đại diện của Đại sứ quán Hà Làn và các tình nguyện viên. Thậm chí, vì không chịu nổi sự hỗn loạn, MC đã phải hét lên: “Đề nghị mọi người không tranh giành, nếu không, chúng tôi sẽ dừng chương trình ngay lập tức!”.
Giành giật quyết liệt áo mưa.
Những ai đi qua, không biết, tưởng mọi người đang tranh giành nhau vàng, kim cương hoặc ít nhất là rất nhiều tiền bạc chứ không phải một chiếc áo mưa trị giá gần 50 ngàn đồng. Thế nên, hãy luôn suy nghĩ tỉnh táo, ngay cả khi có một đám đông cuồng nhiệt làm cho bạn mất phương hướng. Trước khi làm bất cứ việc gì, bạn hãy nghĩ thật kỹ, điều đó có đáng không? Đừng để lòng tham vô lối khiến bạn làm mất hình ảnh của cả dân tộc trong mắt bạn bè thế giới.
Quỳnh Như (Theo Báo Đất Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét