>> Siêu bão đi qua, tan hoang ở lại
>> Gượng dậy từ rốn bão
Càng về chiều phường Mai Hùng càng chìm trong mênh mông biển nước. Biết bảy chiếc xuồng cứu hộ cứu nạn của huyện và tỉnh đã đi vào các trọng điểm lũ nên chúng tôi từng bước lội bộ tiến vô làng. Nước trên đường thôn ngập ngang đầu gối. Một trai làng tên Lập vừa chèo chiếc thuyền nhỏ chở gà, lợn từ trong vùng lũ ra ngăn lại, nói: "Không lội được đâu. Nước trong làng ngập sâu gần 2 mét. Anh không nhìn thấy băng băng nước lũ đấy à. Chờ đó, tui chèo thuyền đưa vô".
Cứ theo những mái nhà lô nhô giữa biển nước dập dềnh, con thuyền thẳng tới. Lập nói: "Nước lũ tràn về làng này từ 2g sáng rồi làng ngập dần dần, giờ thì ngập toàn bộ thị xã. Dân làng được xuồng của bộ đội di chuyển sang làng mới ngập cục bộ từ lúc sáng. Hễ thấy nhà ai chưa ngập lút nóc là vào chứ giữa cảnh nước lũ vây quanh không thể chọn được".
Vào làng ngập lút được chừng 20 phút chúng tôi gặp ca nô của Ban chỉ huy quân sự thị xã Hoàng Mai. Đại úy Trần Đức Hùng kéo chúng tôi lên xuồng, nói: "Chủ tịch thị xã Nguyễn Hữu Tuy đứng phía cuối xuồng đó".
Dưới trời mưa xối xả, ông Tuy cho biết: "Thị xã Hoàng Mai có 10 phường, 10 xã. Hiện 5 xã, 5 phường ngập toàn bộ. 5 xã, 5 phường còn lại đang ngập cục bộ. Nghĩa là nơi ngập sâu nhất hơn 1,5 mét. Thị xã có 2 vạn hộ dân thì 2 vạn nóc nhà bị ngập. 600 hộ dân có nhà cấp bốn, sập sệ bị ngập ở mức nguy hiểm đã được lực lượng cứu hộ cứu nạn di chuyển về nơi an toàn trong trưa nay. Trong 600 hộ này chúng tôi ưu tiên di chuyển cụ già, trẻ em và phụ nữ đi trước". Vị trí an toàn là những nhà dân cao tầng hoặc có gác xép.
Theo ông Tuy, sở dĩ đưa dân chạy lũ và nhà dân mới ngập lưng chừng là bởi trụ sở ủy ban xã ngập từ mờ sáng. Mỗi phường xã đều có bốn trường học nhưng tầng một đều ngập hết. Vả lại dân ở nhờ trong dân còn có sự cưu mang lẫn nhau. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Một gói mì tôm, một miếng lương khô san sẻ lúc này đều quý giá vô cùng. Vì lúc này lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang tập trong lo cứu dân, chưa có tiếp tế chống đói.
Trong những ngôi nhà bị ngập là cảnh người sống chung với lợn, gà trên giường, trên chạn. Nhà nào chật quá thì người có sức khỏe tốt hơn trèo lên ngồi trên xà nhà. Đại úy Hùng nhận định: "Từ giờ, chúng tôi túc trực suốt đêm. Nếu nước lũ tiếp tục dâng cao thì phải huy động kịp thời xuồng để di tản dân. Khổ nỗi, những ngóc nghách thì xuồng to không vào được. Nơi nào xuồng nhỏ lách lọt thì nước lại cuốn rất xiết".
Nhìn trời tiếp tục đổ mưa, ông Tuy nói: "Chúng tôi đang lo nước biển dâng lên chặn mất sông Hoàng Mai trong khi nước trên nguồn đang vượt hơn nửa mét qua cốt tràn ở độ cao 21,5m của hồ vực Mấu (75 triệu khối nước) mà trời lại tiếp tục mưa nữa thì cả ba phía nước lũ sẽ cuốn trôi thị xã này mất. Ước mong duy nhất lúc này là trông cho nước "rặc" (nước xuống), biển không triều cường nữa thì còn đỡ".
Trên đường quay ra quốc lộ 1 đang ngập gần nửa mét, chúng tôi kịp ghi hình ảnh những phụ nữ đang cõng con chạy lũ, từng tốp người dân khiêng những cụ già lội nước xiết đi vô làng - nơi biển nước đang nới dần phạm vi của ốc đảo thị xã Hoàng Mai. Lúc này ông Tuy mới liên lạc được với chủ tịch phường Quỳnh Thiện - địa bàn chị Huyền và cháu bé bị mất tích. Tuy nhiên thông tin tối ngày 1-10 mới chỉ biết anh Hào chồng chị Huyền là nhân viên trạm thu phí Hoàng Mai.
VŨ TOÀN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét